Ông Trọng sẽ chọn ai kế nhiệm?

Ngày 30/1, blog Nguyễn Anh Tuấn trên RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Ông Trọng sẽ chọn ai kế nhiệm?”

Tác giả cho biết, những đồn đoán về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạm thời lắng dịu, khi ông Trọng xuất hiện trong phiên họp bất thường của Quốc hội vào trung tuần tháng Giêng vừa rồi.

Tuy nhiên, tác giả đánh giá, cho đến khi người kế nhiệm chưa được công bố, sức khỏe của ông Trọng vẫn là một đề tài được bàn tán nhiều, nhất là khi chỉ còn 2 năm nữa là đến kỳ Đại hội Đảng tiếp theo, còn ông Trọng thì đã bước sang tuổi 80 với thể trạng nhiều bệnh tật.

Tác giả đánh giá, khác với mô hình lãnh đạo tập thể vốn là đặc trưng của chính trị Việt Nam kể từ “Đổi Mới” 1986, nhiệm kỳ thứ 3 chưa có tiền lệ của ông Trọng đang hoàn thiện dần một trật tự mới trong nội bộ Đảng, với quyền uy tuyệt đối của vị trí Tổng Bí thư.

Vì vậy, câu hỏi ông Trọng sẽ chọn ai kế vị, càng trở nên đáng quan tâm hơn bao giờ hết.

Tác giả nhận xét, sự kém minh bạch của thể chế chính trị Việt Nam không cho công chúng biết chuyện gì đang thực sự xảy ra sau bức màn sắt, bởi vậy, tác giả chỉ có thể dựa vào những quan sát và đánh giá về khuynh hướng chính trị của ông Trọng, để đưa ra giả thiết về người được ông lựa chọn.

Theo tác giả, ông Trọng sẽ lựa chọn ông Võ Văn Thưởng kế vị mình, ngay cả khi giới quan sát bày tỏ hồ nghi khi xét đến tuổi tác và kinh nghiệm của đương kim Chủ tịch nước. Bởi ông Trọng chọn người kế vị theo 3 tiêu chí sau:

Một, người kế vị sẽ không thuộc một nhóm lợi ích kim tiền nào trong Đảng. Chiến dịch “đốt lò” gần 10 năm của ông Trọng, chắc chắn đã gây thù chuốc oán với đủ các phe phái trong Đảng.

Nếu một trong số các phe đó nắm quyền, và khuynh loát nền chính trị đất nước, không phải không có khả năng toàn bộ di sản của ông Trọng sẽ bị xét lại, ngay khi ông rời bỏ chức vụ. Là một người am tường lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, ông Trọng thừa hiểu sự bạc bẽo của giới lãnh đạo Cộng sản nhiệm kỳ sau với nhiệm kỳ trước như thế nào, từ Stalin đến Khrushchev, rồi đến Brezhnev. Bởi vậy, ông Trọng sẽ cố gắng ngồi ghế quyền lực lâu nhất có thể, nhưng đến lúc bước xuống, dù là vì lý do sức khỏe hay qua đời, ông sẽ muốn người kế vị mình không thuộc về bất kỳ phe phái nào mà ông đã gây thù chuốc oán. Trong số những người còn lại trong tứ trụ, chỉ có Võ Văn Thưởng với hoạn lộ không qua những vị trí kim tiền của Chính phủ, mà chủ yếu ở các cơ quan Đoàn, Đảng, mới phù hợp với tiêu chí này.

Hai, phải “biết lý luận” để giữ Đảng. Thời gian nắm quyền của ông Trọng đã chứng kiến sự thăng tiến vượt bậc của lớp người lý luận – tuyên giáo trong Đảng, mà chính ông Thưởng là một ví dụ điển hình. Nếu so với hai đối thủ chính là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, ông Thưởng với bằng cấp triết học và những phát ngôn mạnh mẽ về ý thức hệ, cộng với kinh nghiệm nắm ngành Tuyên giáo của Đảng, có lẽ là lựa chọn an tâm hơn đối với ông Trọng.

Ba, người kế vị phải tiếp nối công cuộc đốt lò. Ông Trọng coi việc đốt lò không chỉ như một chiến dịch tự phát và ngắn hạn, mà đặt nó trong một tầm nhìn dài hạn, để bảo vệ tính chính danh đạo đức cho Đảng cầm quyền. Nếu như trong trọn nhiệm kỳ Trưởng ban Tuyên giáo, ông Thưởng tỏ rõ sự kiên định ý thức hệ với việc ban hành và thực thi Nghị quyết 35 về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, thì trong hai năm làm Thường trực Ban Bí thư, ông Thưởng cũng đã chứng tỏ mình là cánh tay đắc lực của ông Trọng trong công cuộc đốt lò. Bởi vậy, ở tiêu chí này, ông Thưởng cũng vượt trội so với hai đối thủ là ông Chính và ông Huệ.

Tác giả kết luận, khuynh hướng chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ dẫn ông đến lựa chọn Võ Văn Thưởng làm người kế vị mình. Yếu tố miền Nam của ông Thưởng có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định này, song theo hướng hậu thuẫn, chứ chưa hẳn là bất lợi như nhiều người nghĩ.

 

Minh Vũ – thoibao.de

31.1.2024