Cảnh báo nạn “liên minh” giữa Bí thư và Chủ tịch tỉnh để tham nhũng tập thể?

Công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được khởi xướng sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, năm 2016. Kể từ đó đến nay, công luận thắc mắc, vì sao lò của ông Trọng đốt hoài, đốt mãi, vẫn không hết củi.

Cách thức xử lý kỷ luật của Tổng Bí thư Trọng đối với ông Trần Tuấn Anh vừa qua – biến một kẻ mắc tội nghiêm trọng thành một kẻ vô tội, thông qua việc cho phép chủ động xin thôi, theo tinh thần thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị.

Cụ thể, nội dung ghi ở Điều 2: “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức”. Theo đó, cán bộ tự nguyện xin nghỉ sẽ được miễn trách nhiệm hình sự, và chỉ bị xử lý hành chính hay kỷ luật Đảng.

Điều vừa kể khiến công luận tỏ ra nghi ngờ, đặt câu hỏi với ông Trọng và Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, rằng: “Chống Tham nhũng” hay “Tham nhũng” là chủ trương lớn của Đảng?

Dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 2 (2011 – 2016), cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng “cạnh khóe” ông Ba Dũng rằng:

“Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ. Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết. Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi. Một bầy sâu là chết cái đất nước này!”

Công luận đánh giá về phát biểu này của ông Tư Sang, rất đúng với những gì đang xảy ra hiện nay, sau hơn 10 năm ông Trọng giữ cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí, vấn nạn tham nhũng ngày nay còn lớn hơn nhiều, cả về quy mô và về tính liên kết có tổ chức.

Đây là một vấn đề hết sức đáng báo động.

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn, trong bài viết “Liên minh tham nhũng: Bí thư – Chủ tịch”, đã đưa ra những nhận xét rất đáng lo ngại, khi cho rằng, gần đây dư luận xôn xao về hai vụ bắt giữ liên tiếp.

Thứ nhất, 2 quan chức đương nhiệm của tỉnh Lâm Đồng, là Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Trần Văn Hiệp, đều bị khởi tố liên quan đến sai phạm dự án Đại Ninh. Thứ hai, 2 cựu quan chức tỉnh Bắc Ninh, là nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Nhân Chiến và nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh, đều bị khởi tố do mở rộng vụ án AIC.

Tác giả Lê Thiếu Nhơn đánh giá: “Nghĩa là, người đứng đầu tổ chức Đảng và người đứng đầu chính quyền địa phương, đã cùng phạm tội”. Điều đó cho thấy, “báo động về thực trạng đồng liêu tham nhũng. Trường hợp cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh sánh bước ra tòa, trong một số vụ án, dường như không còn mang tính cá biệt”.

Liên quan đến những sai phạm của giới chức lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, trong bài viết, “Củi tươi Lâm Đồng” tác giả Phong Lan đã xác nhận:

“Các ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, và  ông Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh ủy, lúc đó đang nằm trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Chưa đầy một năm sau mới cũng lộ ra rằng, họ ngoài là đồng chí, thì đồng thời, họ cũng là đồng bọn.”

Tác giả, nhà báo Phong Lan đưa ra một nhận xét rất đáng lo ngại:

“Đà Lạt – Lâm Đồng vốn là nơi trưởng thành của bà Trương Thị Mai, nên ít nhiều cũng có nhiều gắn bó với lớp quan chức đã cùng bà Mai đi lên từ Tỉnh Đoàn Lâm Đồng. Nếu củi Lâm Đồng tiếp tục bị đốt nhiều hơn nữa, có thể đoán được rằng, trong hai năm tới, lớp đàn em của bà Mai sẽ bị quét sạch. Cuộc chiến ác liệt giữa quân xanh, quân đỏ đi tới hồi khốc liệt.”

Giới thạo tin cho biết, lâu nay, bà Trương Thị Mai được cho là “bà trùm” – là tổng chỉ huy bộ máy chính trị của tỉnh Lâm Đồng. Điều đó liên quan gì đến việc, gần đây, hàng loạt các lãnh đạo cao của tỉnh Lâm Đồng đã bị Bộ Công an khởi tố bắt giam.

Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam đã và đang thất bại, là điều không thể chối bỏ. Tổng Trọng càng chống thì tham nhũng, thì càng tăng về số vụ, tham nhũng càng nghiêm trọng hơn về mức độ, quy mô và có tổ chức.

Đó là nguyên nhân vì sao, sau hơn 8 năm đốt lò, bây giờ lại để ra tình trạng, hầu hết ban lãnh đạo ở các tỉnh hiện nay, đã hình thành “Liên minh tham nhũng với sự cấu kết của Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh, với sự tiếp tay của hệ thống đàn em cấp dưới”.

Chống tham nhũng phải áp dụng biện pháp theo xu hướng chung của thế giới, là: “thượng tôn pháp luật, tư pháp độc lập, báo chí tự do và các tổ chức xã hội dân sự tham gia giám sát việc chống tham nhũng”.

Nhưng Tổng Bí thư Trọng là người điều hành cơ quan Chống Tham nhũng Trung ương, mà chưa chống tham nhũng đã chủ trương, chống tham nhũng là “ta tự đánh ta”, hay “đánh chuột sợ vỡ bình”, rồi “cần phải mở đường cho đồng chí của mình rút kinh nghiệm” v.v… với mục đích để cứu các lãnh đạo tham nhũng là vây cánh của ông Trọng.

Đây là một vấn đề cực kỳ nguy hiểm, và nó sẽ phá nát chế độ trong một ngày không xa./.

 

Trà My – Thoibao.de

2.2.2024

Kasse animation 7.8.2023