Hà Tĩnh học cụ Tổng “cắt đuôi thạch sùng”!

Chính quyền Cộng sản thường hay dùng từ “đánh rắn phải đánh dập đầu”, nghĩa là muốn dẹp loạn thì phải hạ được thủ lĩnh. Tuy nhiên, trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tổng, thì lại không làm theo cách như vậy. Cho tới nay, rất nhiều vụ án lớn, ông Tổng không triệt hạ người đứng đầu, mà lại thả cho họ “hạ cánh an toàn”.

Vụ Việt Á được ông Nguyễn Phú Trọng đánh rất mạnh vào các CDC, thậm chí đánh vào một số lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, những người ở Trung ương tham gia cùng Việt Á lại được vẽ cho “con đường thoát”. Ông Vũ Đức Đam từng là Bộ trưởng Bộ Y tế và là Phó Thủ tướng phụ trách y tế, chỉ bị loại ra khỏi Trung ương Đảng. Người ẩn danh nắm 80% cổ phần của Việt Á, vẫn không bị đụng đến. Theo thông tin ngoài luồng thì, người nhà của một trong tứ trụ nắm lượng cổ phần này. Kết quả, trụ này chỉ “thoái vị”, mà không hề chịu bất kỳ trách nhiệm hình sự nào.

Vụ chuyến bay giải cứu cũng là một vụ án lớn, bắt rất nhiều người, nhưng ở tầng cao, ông Phạm Bình Minh chỉ phải “nhả ghế” là được an toàn. Hầu hết, án nặng đều dành cho cấp dưới, vốn chỉ là những kẻ thừa hành hoặc quản lý ở địa phương. Như vậy, người thừa hành thì bị trừng phạt nặng, còn kẻ chủ mưu thì lại thoát tội.

Rất nhiều vụ án từ trước đến nay cho thấy, ông Tổng chống tham nhũng chỉ như là việc “cắt đuôi con thạch sùng”, thay vì đánh cho nó dập đầu. Mà cắt đuôi con thạch sùng thì nó lại mọc ra đuôi mới, vì thế, ông Tổng càng chống tham nhũng, thì tham nhũng càng lú lên mạnh mẽ hơn.

Vụ bà Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh – Nguyễn Thị Lệ Hà – cho xe công gắn còi hụ chạy vào sân bay Vinh đón con, cho tới nay, Đảng ủy Hà Tĩnh chưa xử lý người chủ mưu vụ này, mà thay vào đó, Chánh Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Hà Tĩnh lại phạt phóng viên hỏi bà Hà về vụ việc. Và mới đây, Công an Hà Tĩnh lại xử phạt tài xế 2,5 triệu đồng, tước bằng lái 2 tháng, tịch thu bộ đèn và còi ưu tiên.

Lái xe chỉ là người thừa hành, họ chỉ làm việc theo lệnh, sao lại phạt họ mà bỏ qua lỗi của người ra lệnh? Rõ ràng, chính quyền Hà Tĩnh đang xử lý vụ “xe công đón con” này bằng cách “cắt đuôi con thạch sùng”. Cái đầu chủ mưu Nguyễn Thị Lệ Hà vẫn không sao, trong khi đó, lỗi là do bà này mà ra.

Rõ ràng, chính quyền Hà Tĩnh muốn thách thức dư luận, rằng, “chúng tôi sai chúng tôi phạt người khác”, thì dư luận làm gì được “chúng tôi”? Cách xử lý như thế là bao che cho kẻ chủ mưu.

Vụ việc này đang rất nổi lên mặt báo, chẳng lẽ, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không thấy, không biết?

Muốn chống tham nhũng hiệu quả, thì ông Tổng phải chống luôn những kẻ chống tham nhũng kiểu “cắt đuôi thạch sùng”. Tuy nhiên, nếu ông Tổng làm thế thì cũng khó cho ông. Bản thân ông “đốt lò” cũng thường theo cách “cắt đuôi thạch sùng” quẳng vào “lò”, chứ ông nào có làm theo tôn chỉ “đánh rắn phải đánh dập đầu” đâu?

Nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã 80 tuổi và sức khỏe rất yếu. Có lẽ, ông không còn đủ thời gian để thực hiện một cuộc cải cách trong chiến dịch chống tham nhũng nữa. Với tuổi tác và sức khỏe như vậy, chỉ riêng việc ông có thể sống đến hết năm Thìn thì đã là “kỳ tích”, còn nói gì đến việc có đủ sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất, để làm một cuộc “đại phẫu” trong công cuộc “đốt lò”. Việc thay đổi phương pháp chống tham nhũng, từ “cắt đuôi thạch sùng” sang “đánh rắn dập đầu”, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Ở Việt Nam, người dân không có quyền. Nếu ở một quốc gia pháp quyền, với cách xử lý quan chức kiểu như chính quyền Hà Tĩnh đã làm, thì kẻ xử lý cũng sẽ bị pháp luật trừng phạt. Còn ở Việt Nam, họ chỉ xử lý chiếu lệ cho qua chuyện, xem ý dân chẳng ra gì. Họ bao che cho nhau bằng những cách thô thiển nhất, coi thường dân nhất.

 

Trà My – Thoibao.de

11.2.2024

Kasse animation 7.8.2023