Ma trận “căn cước”, trò chơi trốn tìm bao giờ Tô Đại mới hết kiếm ăn?

Chưa hết Tết Giáp Thìn, Bộ Công an lại công bố mẫu thẻ căn cước mới, thay thế cho mẫu căn cước công dân.

Báo Thanh Niên ngày 11/2 đưa tin, “Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới”. Bản tin cho biết, để phù hợp với quy định tại Luật Căn cước, Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới, thay thế cho thẻ căn cước công dân đang có hiệu lực.

Như vậy, đây là lần thứ 7, mẫu giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam bị thay đổi, và người dân lại phải đi làm mới lần nữa, trong vòng 10 năm vừa qua. Đây cũng là lần thứ 2, người dân lại phải thay thẻ căn cước mới, trong vòng 3 năm, kể từ năm 2021.

Mạng xã hội Việt Nam lại một lần nữa nổi sóng. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công an của ông Tô Lâm hành dân vẫn chưa chán, gần 50 năm sau 1975, làm cái thẻ căn cước cho dân mãi không xong.

Việc thay đổi xoành xoạch mẫu giấy tờ tùy thân của công dân, không chỉ làm dư luận phẫn nộ, mà cả báo chí do nhà nước quản lý cũng bức xúc không kém. Báo Tiền Phong ngày 22/10/2023 đã đặt câu hỏi: “Đổi tên “Căn cước công dân” thành “Căn cước” có lợi gì cho người dân?”

Tương tự, trên mạng xã hội, nhiều người dân bất bình cho rằng,“Trước khi làm, Bộ Công an hãy suy nghĩ cho kỹ, rồi làm một lần thôi”, hay không ít các ý kiến phàn nàn, “Mấy năm nay mất thời gian với cái thẻ này quá”…

Theo giới quan sát, truyền thông nhà nước Việt Nam từng tiết lộ một thông tin đáng quan tâm, đó là, cho đến nay, đã có gần 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được Bộ Công an cấp cho người dân.

Điều đó có liên quan gì đến thông tin trên Fanpage của Đảng Việt Tân, theo đó, tác giả Hạnh Nhân cho hay:

“Một nguồn tin cho biết, bên làm phần mềm với cấp phôi nhựa là cháu của người đứng đầu Bộ Công an, mấy năm gần đây, năm nào tiền thuế của dân cũng rót vào 3.000 tỷ.”

Không chỉ có thẻ căn cước công dân”, mà cả các mẫu giấy tờ khác do Bộ Công an quản lý và ban hành, như: giấy phép lái xe, mẫu sổ thông hành (passport)… cũng được Bộ Công an sửa đổi liên tục, trong một thời gian ngắn, với nhiều lý do khó hiểu khác nhau.

Giới phân tích nhận xét, mỗi phôi thẻ căn cước, Bộ Công an chỉ cần tăng giá thêm 1.000 VND, tương đương khoảng 0.04 USD, nếu nhân với 80 triệu phôi, sẽ là một số tiền không hề nhỏ. Điều đó đã khiến công luận nghi ngờ và đặt câu hỏi, có hay không việc trục lợi của nhóm lợi ích nằm trong Bộ Công an, khi liên tục đổi mẫu căn cước?

Bình luận về hành trình “vòng vèo” của hệ thống giấy tờ tùy thân này, Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận xét:

“Mỗi lãnh đạo lên thì đều có sự thay đổi và muốn mang dấu ấn gì đấy trong nhiệm kỳ. Thế nhưng, thay vì dấu ấn tốt thì để lại tì vết. Tôi nghĩ họ đi lòng vòng do nhận thức từ lãnh đạo và cả từ ban tư vấn nữa.”

Ý kiến vừa kể phù hợp với đánh giá của công luận, khi cho rằng, đây là một việc nhỏ, song đã bộc lộ một thứ tư duy thiển cận, thiếu tầm nhìn và không ổn định, của bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đó cũng là sự vô trách nhiệm, không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách, mà còn đem lại sự phiền phức cho người dân.

Việc Bộ Công an Việt Nam thay đổi xoành xoạch mẫu giấy tờ tùy thân cho công dân, gây ra quá nhiều phiền toái, cũng đã khiến truyền thông quốc tế lưu tâm.

BBC Việt ngữ trong một phóng sự cho hay, họ đã tham khảo việc làm thẻ ID của công dân ở Thái Lan.

Theo đó, thẻ công dân ở Thái Lan, kể từ năm 1943 cho đến nay đã thay đổi 5 lần. Năm 2009, thẻ công dân Thái Lan đã thay đổi từ thẻ nhựa sang được gắn chip và mã vạch, được gọi là smart card (thẻ thông minh).

BBC cho biết, “Các đồng nghiệp Thái Lan cho chúng tôi biết, quy trình làm thẻ chỉ mất hơn 10 phút, và họ không phải đổi thẻ gì từ năm 2009 đến nay”.

Công luận cho rằng, việc so sánh với Thái Lan của BBC, càng cho thấy rõ, cách làm và việc quản lý của Bộ Công an Việt Nam quá nhiêu khê. Nay vẽ cái này, mai bày cái khác, chỉ để kiếm tiền chia nhau, gây tốn kém cho người dân và xã hội. Tất cả đều nằm trong một chủ trương chung, đó là “móc túi dân” để trục lợi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang từ Sài Gòn, đã viết trên trang Facebook cá nhân, rằng “Từ ngày “Cách mạng” đến nay, mọi thứ vận động theo quy luật “đèn cù”, chạy tít mù nhưng sau khi quay vòng, thì quay về lại chỗ ban đầu.”

Mới nhất, nhà báo Nguyễn Thông từ Sài Gòn, trong status với tựa đề “Lại thay”, đăng trên trang cá nhân, đã cảm thán:

“Việc Bộ Công an lại đề xuất mẫu căn cước mới sẽ áp dụng từ ngày 1/7 năm nay, thay cho mẫu căn cước công dân đang dùng, với lý do để phù hợp với Luật Căn cước, quả thật không còn gì để chê nữa, bởi hết mức rồi.

Còn nếu các chú có những dự định nào khác nữa, thì làm luôn một thể đi, chứ cứ vài năm/lần, mệt nhau quá.

Thứ cần thay không phải là cái thẻ, mà là cái đầu (óc) của nhà cai trị.”./.

 

Trà My – Thoibao.de

12.2.2024

Kasse animation 7.8.2023