CCC của ông Tô là cái gì? Vì sao dân “nguyền rủa” nó?

Ngày 11/2, báo Thanh Niên loan tin “Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới”. Bài báo cho biết, Bộ Công an vừa công bố dự thảo thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước, để lấy ý kiến từ người dân và các cơ quan, tổ chức. Thông tư này được xây dựng nhằm triển khai quy định mới tại Luật Căn cước (có hiệu lực từ 1/7), thay thế cho Luật Căn cước công dân đang có hiệu lực.

Được biết, Luật căn cước công dân ban hành ngày 20/11/2016 bởi Quốc hội khóa 13. Sau khi luật này ra đời, phải 2 năm sau mới tiến hành thay căn cước đại trà. Mất nhiều năm mới có thể thay thế giấy Chứng minh nhân dân thành Căn cước Công dân. Bởi rất nhiều người dùng giấy Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng và không có điều kiện để đổi.

Cho đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều người chỉ mới đổi từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước Công dân chưa lâu, thì giờ đây, ông Tô Lâm lại cho đổi từ Căn cước công dân sang Thẻ căn cước.

Việc làm này tốn rất nhiều thời gian, nhân lực và tiền bạc. Không những tốn thời gian của công an và tiền bạc nhà nước, mà nó còn gây lãng phí thời gian và công sức của người dân.

Thật ra, dù là Chứng minh nhân dân, Căn cước Công dân hay Thẻ căn cước, đều được dịch sang tiếng Anh là ID. Đều là loại tờ giấy định danh cho từng công dân, dù đặt tên thế nào thì bản chất vẫn không thay đổi. Vậy, Bộ Công an bày vẽ trò đổi giấy tờ xoành xoạch này để làm gì?

Trước việc làm hành dân như thế, người dân đã tỏ rõ sự bất bình trên mạng xã hội. Thẻ căn cước bị người dân gọi là “cái căn cước”, và viết tắt là CCC. Cách gọi này thể hiện sự bất bình và sự chế nhạo của người dân, thay cho tiếng “chửi thề”.

Trước đây, Bộ Công an cũng bày ra mẫu hộ chiếu màu tím than không ghi nơi sinh, khiến nhiều nước từ chối cấp visa và đóng dấu vào tấm hộ chiếu này. Rất nhiều người dân khốn đốn vì tấm hộ chiếu tím than, tuy nhiên, Bộ Công an cứng đầu không chịu sửa. Phải nhiều tháng sau, khi sự việc trở nên trầm trọng hơn, thì họ mới chịu thay đổi. Không biết, có bao nhiêu người trong 100 triệu dân phải vất vả vì hộ chiếu tím than. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành khốn đốn vì tấm hộ chiếu này.

Bản chất của việc thay đổi xoành xoạch giấy tờ tùy thân của công dân, là một dạng vẽ dự án để rút tiền ngân sách. Không loại trừ khả năng, kẻ vẽ ra dự án này cố tình làm sai để có cơ hội sửa lại, và rút tiền ngân sách thêm một lần nữa, như việc thay đổi tấm hộ chiếu bìa xanh sang bìa tím than vậy.

Điều khốn nạn là, những kẻ vẽ dự án này hành dân vất vả, phải bỏ thời gian ra để chầu chực, chờ đợi công an cấp lại giấy tờ. Cái được của họ là rút được tiền ngân sách cho vào túi, nhưng cái mất của toàn dân thì không ai cân đo đong đếm được. Nếu là người lao động phổ thông, họ mất một ngày làm với mức thu nhập khoảng 300 – 500 ngàn đồng, để chầu chực chờ làm giấy tờ. Nếu những người làm lương cao hơn, thì không biết họ mất bao nhiêu tiền vì tờ giấy mà Bộ Công an vẽ ra này.

Hiện nay, tiêu cực trong Bộ Công an rất lớn. Ông Tô Lâm là Bộ trưởng, nhưng không như các bộ trưởng khác, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, là 1 trong 15 nhân vật có quyền lực cao nhất của Đảng. Đặc biệt, Tô Lâm lại là cánh tay phải của Tổng Trọng. Vì thế, sẽ không có chuyện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa Bộ Công an lên thớt. Chính vì thế, những chính sách hành dân để moi tiền ngân sách mới liên tục ra đời.

Ở đất nước này, người dân không có quyền lên tiếng. Dù ấm ức, bực dọc, thì cũng chỉ dùng cách chửi cạnh khoé, như dùng 3 chữ viết tắt CCC này mà thôi.

Người dân là chuột bạch, cứ đem ra thí nghiệm hết lần này đến lần khác. Cố tình thí nghiệm không đạt để thí nghiệm lại, và mỗi lần làm lại thì hút được một mớ tiền ngân sách. Quan tham Bộ Công an đầy túi, chỉ có người dân là khốn khổ.

Trà My – Thoibao.de

13.2.2024