Từ năm 1999 đến nay, Bộ Công an có 5 lần thay đổi “cái căn cước”. Năm 1999, số chứng chứng minh nhân dân quy định 9 chữ số. Đến năm 2012 đổi thành 12 chữ số. Năm 2016 ra Luật Căn cước công dân, xóa bỏ thẻ cũ mang tên Chứng minh nhân dân, và cấp lại thẻ với tên gọi mới “thẻ căn cước công dân”.
Sau hai năm thực hiện Luật Căn cước công dân mới lòi ra rất nhiều bất cập. Vậy là, đến tháng 10/2018, Tô Lâm cho sửa đổi một số thông tin trên mặt sau của thẻ căn cước. Mà đã sửa thông tin, thì cũng là hành dân đổi thẻ.
Từ 1/1/2021, Bộ Công an cho đổi thẻ căn cước công dân thường sang thẻ căn cước công dân gắn chip. Được biết, đến tháng 7/2021, đã cấp được 50 triệu thẻ. Trước đó, từ năm 2016 đến năm 2020, hơn 16 triệu thẻ căn cước công dân có mã vạch đã được cấp.
Đến ngày 1/7/2023, Bộ Công an lại đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Cái tên “thẻ căn cước” chính là tên gọi ID dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.
Mỗi lần đổi thẻ, Bộ Công an đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc, cả của lực lượng công an tham gia làm thẻ, và cả của người dân.
Những dự án đổi thẻ khác, không rõ kinh phí bao nhiêu. Nhưng chỉ riêng dự án căn cước công dân gắn chip, năm 2020, ngân sách đã phải chi ra gần 2.800 tỷ đồng. Đến năm 2022, bổ sung thêm 1.141,875 tỷ đồng nữa.
Ai cũng biết, có dự án là có xà xẻo, càng nhiều dự án quan tham càng đầy túi.
Năm 2023, tổng bội chi ngân sách nhà nước lên đến 16,4 tỷ đô la Mỹ. Số tiền này, rồi Đảng và nhà nước cũng sẽ nghĩ ra đủ cách để móc túi dân bù vào. Nếu các bộ ban ngành biết tiết kiệm ngân sách, thì số tiền chi cho những dự án vô bổ như thế sẽ không được duyệt. Để những khoản ấy chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng, hay dùng để nâng cao phúc lợi cho dân, như trợ giá y tế, trợ giá giáo dục v.v… thì sẽ có ích hơn cho đất nước.
Bộ Công an hiện nay như là một nhóm kiêu binh. Vì họ là công cụ để Đảng trấn áp 100 triệu dân, nên rất được Đảng nuông chiều. Bộ này muốn vẽ ra dự án gì cũng được chấp nhận. Ngoài số tiền trên 100 ngàn tỷ đồng ngân sách cấp cho Bộ này này, thì họ còn bày vẽ ra những dự án hành dân, để tiếp tục moi tiền ngân sách.
Hiện nay, Bộ Công an là Bộ ngốn tiền ngân sách Trung ương đứng thứ nhì, chỉ sau Bộ Quốc phòng. Trong khi đó, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục thì chỉ được nhận đồng ngân sách còm cõi. Bộ Y tế nhận được ngân sách chỉ bằng 1/16 Bộ Công an, còn Bộ Giáo dục thì nhận ngân sách bằng 1/15 Bộ Công an. Chỉ riêng dự án làm thẻ căn cước công dân gắn chip, đã chiếm đến một nửa ngân sách cho Bộ Y tế. Quá lãng phí.
Nếu ở các nước dân chủ, những khoản chi không thỏa đáng như vậy, sẽ bị quốc hội chặn lại. Còn ở Việt Nam, cứ Bộ Công an đưa lên là được duyệt chi, mà không hề có sự giám sát, không ai ngăn cản những khoản chi lãng phí.
Năm nào Chính phủ cũng bội chi ngân sách, nhưng chưa năm nào Chính phủ họp bàn về việc cắt giảm các khoản chi không hiệu quả, mà ngược lại, họ tìm cách thu sao cho đủ để bù chi. Việc thâm hụt ngân sách sẽ kéo theo hệ quả là, người dân bị đánh thuế thêm để bù vào phần thiếu hụt đó. Có thể, chính quyền Cộng sản không tăng thuế ngay, mà họ đi vay nợ để bù chi, rồi sau đó mới từ từ tăng thuế.
Hoặc, cũng có thể, Chính phủ cho in tiền trước, rồi ngồi chờ bù bội chi. Mà in tiền thì sẽ dẫn tới lạm phát, đó cũng là một cách nhà nước đánh thuế dân, nhưng đó là thứ thuế “vô hình”, dân khó nhìn thấy.
Để cho các bộ thay nhau ra những chính sách vô ích, tốn tiền ngân sách, tốn tiền dân, tốn thời gian công sức của dân. Nếu chỉ nhằm vào mục đích cạy tiền ngân sách, thì ông Thủ tướng Phạm Minh Chính phải chịu trách nhiệm chính. Tiền dân đóng mà để Chính phủ phung phí theo cách như thế, thì làm sao đất nước này còn cơ hội phát triển. Và thực tế đã chứng minh điều đó.
Trà My – Thoibao.de
14.2.2024