Bộ trưởng Hùng “Nổ” khai hỏa đầu năm!
Trước khi làm Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Viettel.
Ông Hùng được nhiều người đánh giá cao, bởi là CEO cho tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam, có đầu tư ra nước ngoài. Ông cũng sở hữu thành tích học tập đáng nể. Tuy nhiên, khi chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông trở thành người nói khoác không chớp mắt.
Ngoài chức Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, ông Hùng còn là Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Từ chỗ là một CEO có thực lực, chuyển sang làm Bộ trưởng chuyên lo về việc bốc phét cho chính quyền, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã tự làm mất đi hình ảnh mà ông xây dựng được bao năm qua, khi còn ở trong quân đội.
Trình độ “nổ” của Bộ trưởng Hùng thể hiện qua một số phát ngôn của ông, có thể kể đến như:
Ngày 16/9/2019, bản dùng thử mở rộng của mạng xã hội Lotus của người Việt chính thức được ra mắt. Khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng tham dự và phát biểu rằng: “Khi được nghe mọi người nói về một mạng xã hội mới, với cách tiếp cận thông tin mới, tôi có niềm tin, người Việt Nam có thể làm ra những thứ thế giới chưa thể làm. Nghe CEO Nguyễn Thế Tân giới thiệu, tôi bỗng thấy Việt Nam có rất nhiều Steve Job”.
Mạng Lotus ra đời trong lúc Facebook và Twitter đã làm “bá chủ” thế giới từ lâu, không biết, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói “người Việt Nam có thể làm ra những thứ thế giới chưa thể làm”, cụ thể là làm được điều gì? Và kết quả, mạng Lotus không ngóc đầu nổi, dù đã được đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Startup công nghệ, muốn thành công phải khác biệt, phải làm được điều mà các công ty công nghệ khác chưa làm, phải nghĩ ra những thứ mà các công ty khác chưa nghĩ ra, đồng thời, những thứ mới mẻ ấy phải mang lại lợi ích cho người dùng. Chỉ có thế mới “né đòn” các ông lớn, đồng thời lách qua khe hẹp giữa các ông lớn để trưởng thành. Còn nếu “nhai lại” những gì các hãng công nghệ lớn đã làm, thì chắc chắn là bị bóp chết. Lotus bị chết, chứng tỏ nó không có cái gì mới, không có gì khác biệt so với các mạng xã hội lớn hiện nay.
Từng là một CEO của một công ty công nghệ, lẽ ra, ông Nguyễn Mạnh Hùng nên cho lời khuyên chân thật để doanh nghiệp rút kinh nghiệm, đằng này, ông nổ quá đà. Và Lotus chết yểu là điều khó tránh khỏi.
Đã yếu kém nhưng không chỉ ra cái yếu kém, mà lại khen một cách giả tạo, thì làm sao đối phương biết mình yếu kém? Có quốc gia nào mà nhà nước tự khen chính mình nhiều như chính quyền Cộng sản Việt Nam không? Thế nhưng, dù có cố tự khen, thì Việt Nam vẫn nghèo nàn lạc hậu, vẫn bị thế giới nới rộng khoảng cách.
Ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Mạnh Hùng đến thăm Tập đoàn FPT và đã phát biểu rằng “Công nghệ sẽ giúp Việt Nam hóa rồng, hóa hổ”. Có lẽ, ông Hùng dự đoán tương lai Việt Nam bằng cách “đếm cua trong lỗ” chăng? Ở Việt Nam, có bao nhiêu doanh nghiệp công nghệ, cứ áp sự phát triển của FPT vào là Việt Nam sẽ thành cường quốc công nghệ sao?
Cũng phải thừa nhận, FPT đã thành công trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, một con én không làm nên mùa xuân. Hô hào rằng, “Công nghệ sẽ giúp Việt Nam hóa rồng, hóa hổ” mà không nhìn lại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chính sách gì để hỗ trợ cho ngành này?
Để một đất nước phát triển bằng nội lực, quốc gia đó phải chi cho Nghiên cứu và Phát triển (tức chi cho R&D) rất nhiều. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam chi cho R&D chỉ có 0,43%GDP, trong khi đó, Thái Lan chi 1,33%GDP, Malaysia chi 0,95%GDP, Singapore chi 2,16% v.v… Còn mức trung bình của thế giới là 2,71%GDP.
Việt Nam cách quá xa so với mức trung bình của thế giới, đó là chưa nói đến chất lượng nghiên cứu của Việt Nam đến đâu. Có thể nói, quốc gia nào chi cho R&D cao thì quốc gia đó có sức mạnh nội lực lớn.
Chi phí cao cho R&D cũng chưa chắc đã giúp cho đất nước phát triển, nhưng chi phí R&D thấp, thì đừng hy vọng đất nước bứt phá bằng chất xám nội lực.
Quả thật, người dân gọi ông Nguyễn Mạnh Hùng là “Hùng nổ” không sai tí nào.
Trà My – Thoibao.de