Vietjet không trả tiền thuê máy bay và cũng không muốn trả lại máy bay?
Ngày 24/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Vietjet phản bác cáo buộc của toà án ở Anh về việc cản trở trả máy bay vì nợ tiền thuê”.
Theo đó, hãng hàng không giá rẻ Vietjet mới đây đã lên tiếng phản bác lại cáo buộc là hãng này cản trở việc trả lại 4 máy bay hãng Vietjet mượn của FitzWalter Aviation, nhưng nợ tiền thuê từ năm 2021.
RFA dẫn nguồn từ một hãng tin quốc tế cho hay, FitzWalter Aviation đã đưa vụ việc ra một toà án ở Anh, và hôm 16/2, Chánh án toà án này đã yêu cầu Vietjet không được có các hành vi can thiệp vào việc trả máy bay cho FitzWalter Aviation.
FitzWalter Aviation cáo buộc Vietjet đã có hành vi can thiệp ở phía sau, nhằm ngăn cản việc đưa cả 4 máy bay Airbus A321 ra khỏi Việt Nam.
RFA dẫn tin từ trang AirlineRatings – một trang tin uy tín chuyên đánh giá các sản phẩm và an toàn hàng không quốc tế, theo đó, hôm 19/2, Vietjet ra tuyên bố cho biết: “Các luật sư của Vietjet đã khẳng định cam kết của hãng trong việc tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý và tôn trọng các phán quyết của các toà án và các quy định liên quan”.
RFA cho biết, trong tuyên bố của mình, Vietjet viện dẫn Công ước và Nghị định thư Cape Town quy định việc đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay, và cho rằng, đây chính là yếu tố khiến các máy bay của FitzWalter Aviation vẫn còn bị giữ lại.
Theo thông báo của Vietjet, vụ tranh chấp phát sinh trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, khi các thành phố bị giới nghiêm và ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. Trong giai đoạn đó, các hợp đồng thuê tàu bay dài hạn và ổn định của Vietjet bị đột ngột chuyển giao từ bên cho thuê gốc sang cho FitzWalter Aviation, mà không có sự đồng ý của Vietjet.
“Các luật sư của Vietjet hoàn toàn bác bỏ bất cứ các khoản nợ nào còn lại do FitzWalter Aviation đòi” – thông báo của Vietjet viết.
Hiện chưa rõ, bên cho thuê FitzWalter Aviation sẽ làm cách nào để đưa các máy bay của họ ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, rõ ràng, hành động của Vietjet, trong đó có sự hỗ trợ ngầm của Chính phủ Việt Nam, đã khiến ngành hàng không của Việt Nam mất uy tín nặng nề. Thậm chí, một toà án ở Hà Nội còn chặn việc thu hồi các máy bay này, vào hồi tháng 4/2023.
Hậu quả trước mắt là Việt Nam bị Nhóm Công tác Hàng không có trụ sở ở Anh, đưa vào danh sách theo dõi, điều này đồng nghĩa với việc các hãng bay của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi thuê máy bay.
Tuy nhiên, dường như điều đó không ảnh hưởng đến Vietjet, bởi ngày 22/2, RFA cho hay “Vietjet Air ký bản ghi nhớ mua 20 máy bay Airbus”.
Theo đó, hãng Vietjet Air vừa ký một bản ghi nhớ mua 20 máy bay A330-900 của hãng Airbus, để thay thế đội máy bay hiện tại của hãng.
RFA dẫn lời ông Christian Scherer – Giám đốc phụ trách mảng máy bay thương mại của hãng chế tạo máy bay Airbus, cho biết:
“Chúng tôi rất vui mừng được làm việc cùng Vietjet trong giai đoạn mở rộng tiếp theo của hãng.”
Tuy nhiên, có lẽ cần nhắc nhẹ ông Christian Scherer một chút: Airbus nhớ thu đủ tiền của Vietjet trước khi giao máy bay. Bằng không, với “truyền thống mặt dày” của chị Thảo, có thể, rồi đây Airbus lại phải mệt mỏi hầu toà và tìm cách thu hồi lại máy bay, vì không nhận được thanh toán.
RFA dẫn tuyên bố của Vietjet, cho rằng, việc thay thế những máy bay này khi hoàn tất, sẽ là hợp đồng mua máy bay thân rộng lớn nhất của hãng từ trước đến nay.
RFA cũng dẫn lời ông Benoit de Saint-Exupery – Phó Chủ tịch Airbus phụ trách bán hàng của hãng – nói rằng, hy vọng việc mua bán sẽ được thực hiện vào những tuần tới và việc bàn giao các máy bay đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2026.
RFA cho biết thêm, Vietjet Air hiện có 110 máy bay phục vụ 30 tuyến bay quốc tế.
Quang Minh – thoibao.de