Tiết lộ mua giải Á hậu 600 triệu, người mẫu Quế Vân “lột mặt” showbiz Việt?

Tiết lộ mua giải á hậu 600 triệu, người mẫu Quế Vân “lột mặt” showbiz Việt?

Mới đây, cựu Á hậu, người mẫu Quế Vân đã làm dậy sóng mạng xã hội, khi cô chia sẻ với cộng đồng trong một livestream cùng Hoa khôi Nam Em. Theo đó, Quế Vân cho biết, cô đã mua giải Á hậu với giá 600 triệu đồng.

Cuộc thi mà người mẫu Quế Vân đoạt giải Á hậu 1, là cuộc thi sắc đẹp tại Mỹ, dành cho người gốc Việt, được tổ chức cách đây 11 năm. Sau cuộc thi, cô từng bị tố là thi chui và mua giải, nhưng cô đã phủ nhận, và nay, sau hơn 10 năm cô mới tiết lộ sự thật.

Vì sao, sau 11 năm, người đẹp này mới tiết lộ sự thật? Có lẽ, ngày nay, Quế Vân đã có chỗ đứng trong làng showbiz, mà không cần phải bám vào danh hiệu nữa, cho nên, đến bây giờ cô mới tiết lộ. Tuy cô chỉ tiết lộ về bản thân và không động chạm tới ai, nhưng cũng đủ để nói lên sự thật về giới showbiz Việt. Đấy là, những người có danh hiệu về sắc đẹp thì được trọng dụng, nghĩa là, hình thức quan trọng hơn tài năng. Mà một khi giới showbiz chạy theo danh hiệu hơn tài năng, thì chất lượng của loại hình nghệ thuật giải trí Việt Nam cũng kém. Đó là thực tế ai cũng nhìn thấy.

Có cung ắt có đầu, người đẹp cần danh hiệu thì người ta tổ chức thật nhiều cuộc thi để bán giải. Năm 2022, bà Đặng Thị Hương, quê Vũng Tàu, đã tiết lộ với báo chí rằng, bà đã bỏ ra 800 triệu đồng để mua giải Á hậu 3 – Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022. Đồng thời, bà Hương cũng lên tiếng tố cáo Ban Tổ chức cuộc thi mua bán giải. Tuy nhiên, Ban Tổ chức này phủ nhận và sự việc chìm xuồng.

Có vẻ như, chuyện xảy ra ở Mỹ và ở Việt Nam cũng khá giống nhau, cũng tổ chức thi sắc đẹp và bán giải. Tuy nhiên, đó chỉ là giống nhau về hiện tượng, không giống ở bản chất. Ở Mỹ, nhà nước không quản lý những cuộc thi sắc đẹp, các tổ chức và cá nhân cứ tự làm, miễn sao không phạm vào những điều mà pháp luật cấm. Họ tổ chức các cuộc thi và họ gạ bán giải nếu có người mua. Nhưng một khi sự việc vỡ lở và bị phơi bày, cá nhân và đơn vị tổ chức sẽ bị mất uy tín, mất thương hiệu, và có thể bị tẩy chay, thiệt hại khó mà lường trước được.

Ở Việt Nam lại khác, nhà nước lại thọc tay vào các cuộc thi sắc đẹp. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là đơn vị cấp Trung ương quản lý vấn đề này, còn ở địa phương, thì các sở Thông tin Truyền thông sẽ quản lý. Cho nên, việc mua bán giải ở các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam, là có bàn tay của quan chức nhà nước. Vì vậy, cựu Á hậu Quý bà Đặng Thị Hương tố Ban Tổ chức mua bán giải, thì cũng chẳng ăn thua. Vì Ban Tổ chức đã có sở Thông tin Truyền Thông bảo kê.

Loại hình nghệ thuật giải trí của Mỹ rất phát triển, được xuất khẩu đi khắp thế giới. Ở châu Á, Hàn Quốc là quốc gia rất phát triển về ngành công nghiệp giải trí, cũng xuất khẩu khắp châu Á và thế giới. Cả Mỹ và Hàn đều là những quốc gia tự do, nhà nước không can thiệp vào giới showbiz và cứ để họ tự do phát triển, miễn sao đừng làm những điều mà pháp luật cấm.

Ngược lại, ngành công nghiệp giải trí Việt Nam cực kỳ kém cỏi, chỉ đáp ứng được nhu cầu giải trí của giới trẻ và giới bình dân. Còn với thế giới, họ hoàn toàn không có chỗ đứng. Nguyên nhân là do bàn tay quản lý của nhà nước Cộng sản. Vì bị bàn tay này kiểm duyệt, nên showbiz Việt chỉ chạy theo hình thức, mà thiếu đi phần chất lượng. Hồng Kông trước năm 1997 là nơi mà ngành công nghiệp giải trí cực kỳ phát triển. Khi đó, điện ảnh Hồng Kông làm mưa làm gió tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Ngày đó, điện ảnh Hàn Quốc chưa thể sánh bằng Hồng Kông. Tuy nhiên, sau khi Hồng Kông trở về tay Bắc Kinh, điện ảnh Hồng Kông trở nên mờ nhạt, và cho đến hôm nay, họ chỉ còn là cái bóng của chính họ trong quá khứ. Hàn Quốc đã vượt qua họ rất xa. Nguyên nhân cũng là do bàn tay can thiệp của chính quyền Bắc Kinh. Cũng tương tự, điện ảnh Việt Nam bị kiểm soát bởi nhà nước thì chẳng thể lớn nổi.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023