Vì sao đất nước phát triển, cán bộ, đảng viên vẫn đua nhau trốn ra nước ngoài?

Vì sao đất nước phát triển cán bộ, đảng viên vẫn đua nhau trốn ra nước ngoài?

Người miền Nam sau 1975, khi nói về tỉnh cảnh bi đát của đất nước lúc đó, có câu: “Cái cột đèn nếu biết đi cũng đã bỏ nước ra đi”.

Năm 2020, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhân kỷ niệm 35 năm thống nhất nhất đất nước, khi hứng chí cũng dùng câu nói tương tự, đó là: “Nếu cột điện bên Mỹ có chân cũng chạy về Việt Nam”.

Báo Người Lao Động ngày 4/3 loan tin, “Cho thôi việc nữ cán bộ Toà án Nhân dân Quảng Bình vì qua Mỹ du lịch rồi không trở về”. Bản tin cho biết, một nữ cán bộ Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình xin nghỉ phép năm, để sang Mỹ du lịch, nhưng hết thời hạn vẫn không trở về cơ quan làm việc.

Theo đó, bà PTMN, cán bộ Phòng Tổ chức Cán bộ, Thanh tra và Thi đua Khen thưởng, có làm đơn gửi Tòa án tỉnh Quảng Bình, xin nghỉ phép để qua Mỹ du lịch, thăm người thân. Tuy nhiên, sau đó, bà này không quay về Việt Nam, mà ở lại Mỹ dài hạn.

Sau khi xem xét, đối chiếu các quy định, Tòa án tỉnh Quảng Bình đã báo cáo sự việc lên Tòa án Tối cao, đồng thời giải quyết cho bà PTMN “thôi việc theo nguyện vọng cá nhân”, đúng với thẩm quyền.

Dư luận xã hội cho rằng, việc cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam, được cử đi công tác hay học tập ở nước ngoài, rồi tìm cách ở lại, không phải là chuyện hiếm.

Ngày 28/2/2023, Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án tù đối với 4 người, trong vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, theo Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Hay vụ ông Trần Ngọc Phi Long, Phó trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế của Sở Ngoại vụ Cần Thơ, được cử đi công tác tại Mỹ, cũng đã trốn ở lại, vào năm 2014.

Năm 2018 xảy ra một vụ việc đình đám, liên quan đến phái đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu. Khi đó, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc loan tin cho biết, 9 trong số 160 người đi theo đoàn này, đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm.

Được biết, phái đoàn Quốc hội Việt Nam sang thăm Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang. Ngoài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn có 20 quan chức cấp cao, là các Bộ trưởng và các uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Hãng tin MK News, chính phủ Hàn Quốc đã không biết gì về việc 9 thành viên trong đoàn này bỏ trốn, cho tới khi, một người trong số này xuất hiện ở sân bay, để xin trở về Việt Nam, thì vụ việc mới vỡ lở.

BBC Tiếng Hàn ngày 24/9/2019 cho biết, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã xác nhận rằng, trong chuyến thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, có 9 người nhập cư bất hợp pháp, 2 trong số họ đã trở về nước, 7 người vẫn còn sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc đến nay.

Theo thông tin của Bộ Công an Việt Nam, có nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, để né tránh pháp luật. Đáng chú ý, các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đã tìm cách bỏ trốn đến các quốc gia ở châu Âu, để tránh án tử hình.

Trong số những trường hợp trốn truy nã ra nước ngoài, được công luận quan tâm, đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn -cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tiến Bộ AIC và các đồng phạm.

Trước đó, vào năm 2017, Cơ quan An ninh Việt Nam bị nước Đức cáo buộc rằng, họ đã cử người sang Berlin bắt cóc cựu quan chức Chính phủ Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh, đem về nước, dù ông Thanh lúc đó đang xin tị nạn chính trị tại Đức.

Người Việt Nam có câu, “đất lành chim đậu”, việc lựa chọn một vùng đất để sống, hay chọn một quốc gia định cư, là quyền của mỗi cá nhân trên cơ sở quy định của luật pháp.

Thầy giáo Thái Hạo từ Huế, bình luận về vụ nữ cán bộ Tòa án Quảng Bình đi du lịch Mỹ rồi bỏ trốn, nhận xét rằng:

“Chị cán bộ Tòa án này chỉ là một ví dụ, nhỏ thôi, cho làn sóng ngầm di cư của quan chức và gia đình họ sang các nước tư bản, từ du học, mua nhà, định cư… mà báo chí nhà nước và diễn đàn Quốc hội đã nêu công khai suốt bao nhiêu năm qua.”

“Tôi không trách họ, vì con người có quyền đi tìm nơi tốt lành để sinh sống. Chỉ có một điều khiến tôi không đồng ý, là họ không thật lòng. Họ nói một đằng nhưng làm một nẻo.”

Công luận thấy rằng, cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam, đa phần là đảng viên Cộng sản. Họ được cử đi công tác hay học tập ở nước ngoài, rồi tìm cách trốn ở lại, mà không quan tâm tới vấn đề danh dự quốc gia, là điều hết sức đáng báo động./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023