Sử dụng cảnh sát giao thông thường phục – Việt Nam đang gia tăng kiểm soát xã hội

Ngày 22/3, RFA Tiếng Việt loan tin “Cảnh sát giao thông sẽ mặc thường phục để “bắt” người vi phạm nồng độ cồn”.

Theo RFA, truyền thông nhà nước hôm 22/3 dẫn lời đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, cho biết, cảnh sát giao thông ở Việt Nam sắp tới sẽ mặc thường phục, để bí mật ghi hình và “bắt” những lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn.

RFA cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có các quy định ngặt nghèo nhất về nồng độ cồn, đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Từ năm 2019, Chính phủ Hà Nội đã ban hành một Nghị định, quy định phạt tiền đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn chưa vượt quá mức 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt qua 0,25mg/1 lít khí thở. Điều này có nghĩa là, chỉ cần người lái xe có cồn trong hơi thở, dù ở bất cứ mức độ nào, thì cũng bị phạt.

Vẫn theo RFA, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông cho báo chí nhà nước biết, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ bố trí lực lượng mặc thường phục, bí mật nắm tình hình, để thông báo và kịp thời xử lý người vi phạm sử dụng rượu, bia, tham gia giao thông trên tuyến.

Báo Người Lao Động dẫn lời vị đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, cho hay:

“Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, vị trí kiểm soát, bố trí lực lượng sử dụng mô tô Cảnh sát Giao thông tuần tra cơ động gần khu vực kiểm soát, để kịp thời xử lý các trường hợp cố tình quay đầu xe và rẽ vào đường ngang, ngõ tắt, nhằm trốn tránh việc kiểm tra.”

Cũng theo Cục Cảnh sát Giao thông, lực lượng này sắp tới còn tăng cường hoá trang ghi hình vi phạm, hoặc xử lý thông qua hệ thống camera giám sát. Các vi phạm sẽ được cảnh sát giao thông hóa trang ghi hình bao gồm: vi phạm tốc độ; tránh, vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Đại diện Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, “việc hóa trang ghi hình các tài xế điều khiển xe vượt ẩu, lấn làn, đã được Cục Cảnh sát Giao thông áp dụng tại tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Bước đầu, phát huy hiệu quả tốt, nhiều tài xế có ý thức chấp hành hơn”.

RFA cho biết thêm, nhiều người dân ở Việt Nam thời gian qua đã có những phản ứng trái chiều về việc công an gia tăng phạt người vi phạm nồng độ cồn, vì cho rằng có sự lạm dụng. Có người dân thậm chí đã lập biển báo trên đường, để báo cho lái xe biết, sắp có trạm kiểm tra nồng độ cồn của công an. Một số hội nhóm cũng được lập trên mạng xã hội, để thông báo cho nhau về các trạm kiểm soát của công an trên các quốc lộ. Công an các địa phương thời gian qua đã xử phạt tiền các hội nhóm này.

Việt Nam vốn đã là một quốc gia có tỷ lệ công an viên trên đầu dân vào hàng cao nhất thế giới, công an kiểm soát xã hội đến từng ngõ ngách, từng giới, từng ngành. Tuy nhiên, trước đây họ còn kín đáo, chỉ lén lút lạm quyền, thậm chí giả mạo giang hồ khi tấn công những người bị họ cho là vi phạm giao thông. Thì nay, họ công khai hành động, coi đó là đương nhiên, là “quyền” của họ.

Phải chăng, công an cho rằng, họ đã bắt hết giới hoạt động dân chủ, nên giờ đây họ toàn quyền tự tung tự tác, không còn ai dám lên tiếng nữa?

Phải chăng, vì nền kinh tế khó khăn, nguồn thu của ngành công an từ việc bảo kê, “hối lộ vặt” đã giảm, nên họ cần quyết liệt hơn để tăng nguồn thu cho ngành?

Phải chăng, việc tăng cường cảnh sát giao thông mặc quân phục và thường phục, tuần tra khắp hang cùng ngõ hẻm, là sự chuẩn bị của ngành để đối phó với tình trạng mất kiểm soát xã hội có thể xảy ra, trong bối cảnh kinh tế suy thoái trầm trọng chưa từng có, vì e ngại sẽ diễn ra tình trạng như Cuba hiện nay?

Tuy nhiên, khi người dân khốn khổ hơn, phải vật lộn nhiều hơn để kiếm sống, thì việc bóp nghẹt đời sống xã hội sẽ chỉ phản tác dụng.

Cảnh sát giao thông sẽ mặc thường phục để “vồ” người vi phạm nồng độ cồn

Thu Phương – thoibao.de

COMD_3.2024
Kasse animation 7.8.2023