Công an Việt Nam bắt liên tiếp 2 người theo Điều 331

Ngày 26/4, RFA Tiếng Việt loan tin “Facebooker Dương Hồng Hiếu bị bắt sau khi chỉ trích Thượng tọa Thích Chân Quang”.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang, ngày 26/4, đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Facebooker Dương Hồng Hiếu, 46 tuổi, về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự, vì chỉ trích một chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

RFA dẫn tin từ báo mạng Kiên Giang, cho hay, từ năm 2020 đến nay, ông Hiếu, đã sử dụng các danh khoản mạng xã hội “Dương Hồng Hiếu,” “Dương Hiếu” và “Phù Dung”, để “tự kêu oan, đăng tải nhiều nội dung không đúng sự thật, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang, và nhiều cá nhân tu sĩ, chức sắc trong Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang”.

Báo chí Nhà nước cũng cho biết, trước khi bị bắt, ông Hiếu đã bị cơ quan chức năng mời làm việc nhiều lần, về các bài đăng của mình, và ông này đã làm cam kết không tái phạm về hành vi tương tự. Tuy nhiên, sau đó, ông Hiếu vẫn tái diễn hành vi vi phạm.

RFA cho biết, trên trang Facebook “Dương Hồng Hiếu”, với hình ảnh của ông Hiếu trong quân phục sỹ quan quân đội và quần áo dân sự, có nhiều bài viết chỉ trích các bài giảng của Thượng toạ Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

RFA dẫn giới thiệu của Cổng thông tin Phật giáo, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông Chân Quang là Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức tôn giáo thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo RFA, trong nhiều năm qua, nhà sư này có nhiều bài giảng đăng tải trên mạng xã hội, có nội dung gây tranh cãi về nhiều vấn đề xã hội, như cúng dường, nhân quả… Thậm chí, ông này còn cho rằng, hành động chủ động tấn công 3 châu của triều Tống ở Trung Hoa, vào năm 1075 – 1076, của danh tướng Lý Thường Kiệt là “hỗn”, vì “Trung Quốc là anh, còn Việt Nam là em”.

RFA cho biết thêm, trong bài đăng một ngày trước khi bị bắt, ông Hiếu bày tỏ sự tin tưởng vào các lãnh đạo Việt Nam, như Phan Văn Giang, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai và Tô Lâm.

Bên cạnh việc chỉ trích các bài giảng của thượng toạ Thích Chân Quang, ông Hiếu còn lên tiếng về việc phá huỷ di tích lịch sử chùa Phù Dung, và di sản văn hoá núi rừng Bình San ở xã Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Hai ngày sau khi ông Dương Hồng Hiếu bị bắt, Công an Việt Nam lại bắt thêm một người khác ở Hà Nội, cũng theo Điều 331.

RFA Tiếng Việt loan tin ngày 28/4, cho hay, ông Dương Minh Cường, 28 tuổi, ngụ tại số 5, ngách 35, ngõ 164 Hồng Mai, Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội, bị bắt theo cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Vẫn theo RFA, Công an Hà Nội vào ngày 28/4 đã cho truyền thông Nhà nước biết biện pháp vừa nêu, đối với ông Dương Minh Cường. Trước khi bắt ông Cường, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nơi ở của ông.

Viện Kiểm Sát Nhân Dân Hà Nội cũng đã phê chuẩn các biện pháp của phía Công an.

RFA cho biết thêm, tin không nêu rõ những hoạt động, và hành vi nào mà ông Dương Minh Cường đã thực hiện, khiến ông bị bắt theo cáo buộc của Công an Hà Nội.

Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam lâu nay bị các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là “mơ hồ”, mà Chính phủ Hà Nội sử dụng nhằm “bịt miệng” những công dân bày tỏ ý kiến cá nhân của họ.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023