Phiên họp bất thường của Quốc hội Việt Nam chiều 2/5, đã chính thức khép lại sự nghiệp chính trị của ông Vương Đình Huệ. Ông Huệ từng được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất, cho chiếc ghế Tổng Bí thư, sau khi Tổng Trọng rút lui.
Tấm hình ông Vương Đình Huệ trong phiên họp bất thường của Quốc hội vừa qua, đăng trên báo Dân trí, cho thấy, ông Huệ đang trong tâm trạng “tức tưởi”. Dường như, ông trùm phe Nghệ An rất uất ức, nhưng cũng bất lực. Đồng thời, cũng có thể, gương mặt đó biểu hiện sự “ngậm đắng nuốt cay”, sự bất phục của một chính khách có bản lĩnh, đang nuôi chí phục thù.
Công luận cho rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã lập một kỷ lục chưa từng có, chỉ trong vòng 35 ngày đã đánh gục 2 trong số “Tứ trụ” – những nhân vật quyền lực hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả ông Thưởng và ông Huệ vốn được đánh giá là tay chân thân cận của Tổng Bí thư. Họ đều được ông Trọng dìu dắt trong kế hoạch bồi dưỡng nhân sự, để kế thừa chiếc ghế Tổng Bí thư. Vậy mà, trong chớp mắt, công lao vun đắp trong hơn 10 năm của ông Trọng, chỉ còn lại một đống đổ nát.
Ông Tô Lâm đã tương kế tựu kế, sử dụng “phượng thương bảo kiếm” của Tổng Bí thư, nhân danh việc bảo vệ sự trong sáng của Đảng. Đồng thời, ông Tô cũng lợi dụng triệt để “chỉ dụ” “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của ông Trọng, để triệt hạ tay chân của chính ông.
Giáo sư Alexander Vuving từ Hoa Kỳ đã nhận định: “Rõ ràng là chiến dịch chống tham nhũng đã vượt tầm kiểm soát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phương châm của ông [Trọng] là “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình”. Do đó, ông tìm mọi cách để giữ bình không bị vỡ, nhưng ông lại không nghĩ rằng, trong số chuột cũng có cả những con cưng của ông”.
Điều đó đã tạo ra tình trạng khủng hoảng nhân sự của Bộ Chính trị, trong việc chọn người kế nhiệm các chức danh “Tứ trụ”, cho Đại hội Đảng lần thứ 14 đang tới gần. Tình trạng này hoàn toàn có lợi cho Tô Lâm nhưng lại gây bất lợi cho các ứng viên khác.
Theo BBC, giới quan sát nhận định rằng “chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không phải “đi hơi xa” như một số ý kiến trước đó, mà thật ra nó đã thất bại”.
Đáng chú ý, ông Tô Lâm và phe cánh đang nắm thế thượng phong trong cuộc đấu, dù họ có nhân sự ít hơn về số lượng, nhẹ cân hơn về vị trí quyền lực, nếu so với phe Nghệ Tĩnh của ông Vương Đình Huệ. Phe Nghệ An – Hà Tĩnh có số uỷ viên Trung ương Đảng lên đến 25 người, chiếm đến 1/8 Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có đến 4 uỷ viên Bộ Chính trị. Trước khi ông Huệ bị truất chức, phe Nghệ tính vẫn giữ tỷ số 4/14 thành viên Bộ Chính trị còn lại của khoá 13.
Trong khi, phe Hưng Yên của Bộ trưởng Tô Lâm chỉ vẻn vẹn có 5 uỷ viên Trung ương Đảng và một Ủy viên Bộ Chính trị.
Nhưng những vụ bê bối tham nhũng và những vụ từ chức mới đây, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều đó đã khiến cho bầu không khí chính trị ở Việt Nam ngày càng trở nên u tối hơn. Quan trọng hơn, một câu hỏi mà công luận cũng như các phe cánh trong Đảng quan tâm, đó là, “ai sẽ là con dê tế thần tiếp theo?”
Thực chất, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Việt Nam hiện nay. Nhưng có lẽ, nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ vấn nạn xung đột phe phái trong nội bộ Đảng. Trong bối cảnh đó, chắc chắn, cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư sẽ đặc biệt gay gắt vào những ngày tới đây.
Nếu Tổng Trọng chịu từ bỏ tham vọng ngồi lại ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 4, khi ấy, phe Nghệ An và ông “trùm” Vương Đình Huệ chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất. Đó là, bằng mọi giá phải chặn bằng được kẻ có tên Tô Lâm, không cho vươn tới chiếc ghế Tổng Bí thư từ tay ông Nguyễn Phú Trọng.
Có thể thấy, Bộ trưởng Công an Tô Lâm vẫn không chắc chắn có thể đạt được mục tiêu./.
Trà My – Thoibao.de