Chưa bứng được Tô khỏi Bộ Công an, hiểm nguy đang rình rập phe Tổng!

Thông tin về việc ông Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Bộ Công an, đã làm cho dư luận bàn tán xôn xao. Đây là một tiền lệ chưa từng có.

Kiêm nhiệm 2 chức vụ này, Tô Lâm vừa là cấp trên của Thủ tướng, vừa là thuộc cấp của Thủ tướng. Dù thực tế, Chủ tịch nước chưa hề đề nghị Quốc hội bãi nhiệm Thủ tướng bao giờ, nhưng theo Hiến pháp, Chủ tịch nước có quyền này. Cũng trên thực tế, Bộ trưởng Bộ Công an vâng lệnh Tổng Bí thư, chứ ít khi chịu sự chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, về danh nghĩa, thì Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, là cấp trên của Bộ trưởng Bộ Công an.

Rõ ràng, Tô Lâm vừa nắm chức Chủ tịch nước để được hưởng “suất đặt biệt”, để ở lại Bộ Chính trị, vừa ôm khư khư chức Bộ trưởng Bộ Công an không buông, là một lợi thế vô cùng lớn đối với ông. Nếu nói, trước đây, Chủ tịch nước chỉ là chiếc ghế hữu danh vô thực, thì nay, với việc kiêm nhiệm, tân Chủ tịch Tô Lâm sẽ có thực quyền không thua gì Tổng Bí thư, nếu không muốn nói là trội hơn.

Cuộc chiến cung đình vẫn tiếp tục, bởi mục đích của Tô Lâm là ghế Tổng Bí thư, khi nào còn chưa đạt được, thì ông còn chiến.

Rất có thể, Tô Lâm lại đánh vào Chính phủ hoặc đánh vào Ban Bí thư. Đánh vào Chính phủ là để loại đối thủ cạnh tranh, còn đánh vào Ban Bí thư là để tìm cách cướp lấy ghế mà ông Trọng đang ngồi. Dù đánh vào đâu thì Tô Lâm vẫn có đủ binh hùng tướng mạnh, “chơi” sòng phẳng với các phe phái kia. Rất có thể, Tô Lâm sẽ dùng chiến thuật vừa đánh vừa đàm, để ép các thế lực còn lại phải lùi bước, hoặc từ bỏ tham vọng.

Có ý kiến cho rằng, Tô Lâm chỉ tạm thời giữ ghế Bộ trưởng Bộ Công an trong thời gian ngắn, rồi giao lại cho người khác. Nếu chiếu theo thông lệ thì rất có thể nhận xét này có lý. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến “sinh tử” để giành lấy quyền lực cao nhất, nên một khi Tô Lâm đã giữ được 2 ghế, thì sẽ không dễ dàng nhả ra, nếu áp lực từ phe ông Tổng không đủ mạnh. Bởi nếu nhả ghế Bộ trưởng Bộ Công an cho phe Tổng, chẳng khác nào, Tô Lâm nộp mạng cho đối thủ.

Việc ông Tô Lâm nắm chức Chủ tịch nước và kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Công an, cho thấy, phe của Tổng Trọng đã lùi bước trước Tô Lâm (ít nhất là tại Hội nghị Trung ương 9). Nguyên nhân, phe của Tổng Trọng hiện có đến 3 cái tên có thể thay thế Tô Lâm làm Bộ trưởng Công an, đó là Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình và Trần Cẩm Tú. Nhân sự thừa thãi như thế, sao lại để cho Tô Lâm kiêm nhiệm? Chỉ có thể giải thích rằng, đây là sự lùi bước của phe Tổng, chứ không phải thiếu nhân sự.

Ông Nguyễn Phú Trọng kéo Đại tướng Lương Cường về Ban Bí thư, thay cho bà Trương Thị Mai, với cương vị Thường trực Ban Bí thư là một nước cờ cao thâm. Tuy nhiên, Tướng Lương Cường có thể phòng thủ vững chắc, nhưng chưa chắc đã có khả năng phản công lại Tô Lâm. Cần phải có thời gian để xem vị tân Thường trực Ban Bí thư sẽ phản ứng thế nào trước Tô Lâm.

Nguồn tin nội bộ cho biết, cả Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc đều được Tô Lâm giới thiệu, để Bộ Chính trị lựa chọn cho ghế Bộ trưởng Công an, nhưng cả 2 đều không đủ phiếu. Thất bại của 2 vị đệ tử này khiến Tô Lâm rơi vào thế bất lợi. Nhưng bất ngờ, Tô Lâm lại trở cờ, quyết nắm chặt ghế Bộ trưởng Công an, không chịu nhả ra cho bất kỳ ai thuộc nhóm của ông Tổng. Mà một khi, Tô Lâm đã quyết ngồi lại, thì rất khó cho phe ông Trọng để có thể đẩy được Tô Lâm rời khỏi Bộ Công an.

Giờ đây, bài toán khó nhất của Nguyễn Phú Trọng là làm sao đẩy được Tô Lâm khỏi Bộ Công an. Nếu không làm được, thì nguy hiểm luôn chực chờ các thành viên Ban Bí thư, kể cả với ông Nguyễn Phú Trọng.

 

Trần Chương – Thoibao.de