Lại thêm 14 người chết do hỏa hoạn: Chủ tịch Hà Nội Trần Sĩ Thanh phải từ chức?

Giữa lúc chính trường Việt Nam có nhiều chỉ dấu cho thấy, cuộc chiến cung đình đang giảm nhiệt nhanh chóng, dẫu rằng không dễ dàng chấm dứt, thì Hà Nội đã xảy ra một vụ cháy làm 14 người tử vong. Lúc này, tân Chủ tịch nước Việt Nam – Đại tướng Công an Tô Lâm, vừa kết thúc lời tuyên thệ chưa bao lâu.

Báo VNExpress online ngày 24/5 đưa tin, “Cháy nhà ở Trung Kính Hà Nội, 14 người chết”. Bản tin cho hay, khoảng 0h30 rạng sáng 24/5, tại ngôi nhà trọ 5 tầng, ở ngõ 119 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng. Đám cháy khởi nguồn từ tầng một, là nơi kinh doanh và sửa chữa xe đạp điện. Nguyên nhân ban đầu, có thể xuất phát từ chập, cháy xe đạp điện.

Đây không phải là lần đầu tiên, Hà Nội xảy ra vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng. Cách đây hơn 8 tháng, đêm ngày 12/9/2023, tại một chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng đã xảy ra tai nạn tương tự, khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tỏ ra bất bình, khi cho rằng, “vẫn là ngõ nhỏ phố nhỏ, xe cứu hỏa không thể tiếp cận. Vẫn là tầng 1 chứa xe. Vẫn là ko lối thoát mỗi khi xảy cháy. Tại sao, câu chuyện này sao cứ lặp đi lặp lại mãi vậy?”

Đáng chú ý, một số ý kiến thắc mắc về trách nhiệm, không chỉ riêng đối với chính quyền địa phương, mà cả trách nhiệm của Chính phủ. Theo đó, “các nạn nhân, có lẽ vẫn là những người đang chật vật áo cơm, vẫn chưa thể có một ngôi nhà cho mình. Trong khi đó, gói đầu tư 120.000 tỉ nhà ở xã hội của Chính phủ tính tới 25/10/2023, mới giải ngân được có… 83 tỉ đồng!”.

Facebooker Phuong Ngo, một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội, trong status “Tiếp Thêm 14 Người Chết”, đã cảm thán:

“Cháy nhà trọ tại Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, 14 người chết. Rồi cũng sẽ là chủ nhà chịu trách nhiệm, và cũng là tiền quyên góp từ xã hội để hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân.

Cơ quan chức năng sẽ không có hướng giải quyết nào khác, để rồi dăm ba tháng lại tiếp tục những vụ cháy thương tâm… Không bất kỳ lãnh đạo nào cần phải chịu trách nhiệm! Mạng người rẻ quá, mà nghèo là cái tội!”.

Điều đáng nói, đây là vụ cháy thảm khốc thứ 2 xảy ra ở Hà Nội, sau vụ cháy hồi tháng 9/2023 tại quận Thanh Xuân, khiến 56 người thiệt mạng. Song, không hề có biểu hiện cho thấy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, có sự thay đổi cần thiết để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, đang trú ngụ tại các nhà trọ ở trong các ngõ hẹp, không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng chống cháy nổ.

Mới đây, đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn ý kiến của Luật sư Lê Quốc Quân, người từng sinh sống ở gần khu vực xảy ra hỏa hoạn gây chết 14 người, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Luật sư Quân đã bày tỏ nỗi đau khi nghe thông tin trên, và dự báo, vấn đề phòng cháy, chữa cháy ở khu vực nội đô Hà Nội sẽ khó được cải thiện trong thời gian tới. Luật sư Lê Quốc Quân cho biết:

“Luật pháp không nghiêm, chậm hơn thực tế phát triển. Loại hình chung cư mini vẫn chưa được quy định rõ ràng theo pháp luật, người ta đã bàn bạc về nó nhiều sau vụ cháy làm chết 56 người hồi năm ngoái, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có bước tiến triển nào.”

“Do xây dựng tràn lan, không có quy hoạch và tham nhũng, làm cho các vi phạm được hợp thức hoá, nên càng khó khăn hơn cho công tác phòng cháy chữa cháy.”

Mới nhất, ngày 18/5, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành quy định 144, về cái gọi là “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới”.

Theo đó, quy định số 144, ngoài việc nhấn mạnh việc đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc… còn nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên cần thực hiện văn hóa từ chức, khi không đủ khả năng, uy tín… Công luận đã đặt câu hỏi cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh, rằng: “ông Thanh có biết quy định số 144 và có văn hóa từ chức hay không, khi để liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, làm hàng chục người chết và bị thương như vậy?”

Ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam nhiều khóa, cho rằng, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội của các lãnh đạo VIệt Nam. Bởi họ không cần quan tâm đến dư luận xã hội, vì họ do Đảng cử và chỉ định, chứ không phải do sự lựa chọn của nhân dân./.

Trà My – Thoibao.de