Trương Huy San (Huy Đức) hôm nay đăng bài phê bình TBT Nguyễn Phú Trọng rất nặng:

I. TINH THẦN PHÁP QUYỀN ĐÃ CHẾT

Sáng qua, một vị tướng lão thành từng giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành công an điện thoại nói chuyện rất lâu sau khi đọc bài của tôi. Ông cho rằng, nếu như tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền từng thắng thế trong thập niên 2000s thì nay, tinh thần đó đã bị bóp chết.

Trước Hiến pháp 1992, nhà nước của chúng ta là nhà nước chuyên chính vô sản. “Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền”. Cho dù không tuyên bố thì sau Hiến pháp 1992, từ hình luật, dân luật cho đến các luật chuyên ngành khác đều được Việt Nam xây dựng trên tinh thần hướng tới nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, Quốc hội đã phải sửa hàng trăm điều luật cho tương thích dần với các quốc gia mà ta làm ăn với họ [BTA với Mỹ, WTO, TTP…].

Những nỗ lực này kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma “pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền” đang dần hiện về.

TBT Nguyễn Phú Trọng

II. ĐỨC TRỊ HAY PHÁP TRỊ

Ngày 14-4-2016, tôi viết:
Hiến pháp 1992, tuy còn dùng dằng giữa “hai con đường” đã vẽ cho Việt Nam một nền cộng hòa trên giấy. Ngay cả những tổng bí thư bị coi là bảo thủ nhất như Đỗ Mười hay Lê Khả Phiêu, sau Hiến pháp 1992, cũng đã phải chuyển dần từ một chế độ đảng trực trị sang một chế độ đảng cầm quyền thông qua nhà nước.

Việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị. Sinh thời, Nguyễn Bá Thanh là một người rất được công chúng tung hô nhưng nếu những người am hiểu nhà nước pháp quyền biết cách ông Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh ngồi sau cánh gà các phiên tòa “lãnh đạo án” như thế nào chắc chắn họ sẽ vô cùng thất vọng.

Chống tham nhũng bằng Ban Nội chính [và các ban đảng] thay vì gỡ bỏ “vòng kim cô nội chính” cho các cơ quan tư pháp, để họ tiến hành tố tụng theo các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, thì không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ.
…..
Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông [ít nhất là cho đến nay]. Nhưng, quản trị quốc gia [trong đó có chống tham nhũng] phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào “tấm gương đạo đức” của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.

Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có “đổi mới II” trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.

Trương Huy San 

Link:https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid037Whwpw9JweEF1BktCNizeRJoYncFx1mxr4pEibfHQ7P2PM2yZ9w6WddahkLnzQnAl