Cuộc chiến cung đình và nền kinh tế tuột dốc

Cuộc chiến cung đình vẫn đang còn gay cấn, với việc các bên đang giằng co quyết liệt vị trí Bộ trưởng Bộ Công an.

Ngày 29/5, thông tin ẩn ý từ nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà cho hay, phe Hưng Yên đang phản công mạnh mẽ và bất ngờ, với việc dùng tổ chức cấp cơ sở để gây sức ép lên tổ chức đầu não của Đảng – một việc chưa có tiền lệ. Theo đó, một đệ tử ruột của Tô Đại tướng sẽ giành ghế Bộ trưởng Công an.

Nếu thông tin này là thật, thì rõ ràng, phe Hưng Yên võ biền của Tô Chủ tịch đang thắng thế. Và một khi, giới công an thành công “cướp chính quyền”, thì điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế đang èo uột hiện nay?

Giáo sư Zachary Abuza, từ Hoa Kỳ, từng nêu thắc mắc khi Tô Đại tướng lên Chủ tịch, rằng: Một công an chuyên nghiệp sẽ định hình/hoạch định các chính sách và nhân sự của Đảng như thế nào?

Nay, với việc cả dàn Công an thâu tóm hết quyền bính, thì người bàng quang nhất cũng phải e ngại, rằng, tương lai gần của Việt Nam sẽ càng tăm tối hơn.

Giới quan sát chính trị cho rằng, khác với truyền thống “đóng cửa bảo nhau” của Đảng, cuộc chiến kỳ này, Đảng, hay chính xác hơn là các phe trong Đảng, bằng cách tuồn tin nội bộ ra ngoài, đã tô hô phơi bày hết những thứ xấu xa nhất, cho bàn dân thiên hạ thấy và bàn tán. Điều này xảy ra, có lẽ cũng do phe Công an – vốn có thói quen bất chấp, “tao là luật, luật là tao” – đang nắm quyền chủ động.

Cuộc chiến này, kéo dài suốt 3 năm qua từ sau đại dịch Covid-19, với danh nghĩa “chống tham nhũng”, đã khiến nền kinh tế mỗi ngày một tồi tệ hơn.

Thông tin mới nhất do BBC loan tải ngày 29/5, cho hay, lạm phát tại Việt Nam đã tăng đến mức cao nhất trong 16 tháng qua, ở mức 4,44% vào tháng 5/2024, bất chấp những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Trong đó, theo BBC, việc tăng giá điện là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng cao.

Đồng thời, nguy cơ khủng hoảng điện vẫn treo lơ lửng, đe doạ nền kinh tế.

Tác giả Toru Takahashi của Nhật Bản, ngày 25/5, đã chỉ ra những vấn đề trầm trọng của ngành điện Việt Nam, trong một bài phân tích đăng trên trang Nikkei Asia.

Tác giả cho hay, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, ở Scotland, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cao hứng hứa hẹn, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tác giả cho rằng, chính lời hứa hẹn sáo rỗng này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thiếu hụt điện của Việt Nam vào mùa hè 2023. Bởi cam kết này đã khiến Bộ Công thương và Chính phủ đã phải ráo riết sửa đổi Quy hoạch phát triển điện đến 6 lần, dẫn đến khoảng trống phát triển ngành điện trong gần ba năm rưỡi, trong khi, nhu cầu điện năng tiếp tục tăng hơn 10% mỗi năm.

Theo tác giả Toru Takahashi, lý do khả dĩ khiến ông Chính hứa hẹn bốc đồng như vậy, là do ông mong muốn thể hiện khả năng lãnh đạo của mình, khi ông mới nhậm chức vài tháng.

Mặt khác, ông Toru Takahashi cũng chỉ ra, công cuộc “đốt lò” đang diễn ra mạnh mẽ, là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho ngành điện lực Việt Nam.

Hàng loạt quan chức cấp cao của Bộ Công thương và EVN đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong khoảng thời gian cuối năm 2023 và đầu năm 2024, để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Quan chức cao nhất bị bắt là Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng.

Tác giả Toru Takahashi cũng cho hay, việc thiếu điện đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngán ngẩm và chùn tay. Các đợt cúp điện đột ngột vào mùa hè 2023, đã khiến các “đại bàng” FDI như Samsung, Canon và Peony tổn thất hàng triệu đô la.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng mất điện kéo dài, Việt Nam sẽ đánh mất những “đại bàng” như vậy.

Khó khăn không chỉ dừng ở đó, mà còn thể hiện ở việc số lượng các doanh nghiệp rời khỏi thị trường tại Việt Nam vẫn liên tục gia tăng.

Thông tin mới nhất trên VOV ngày 29/5, dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mà như lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông, phát biểu tại Nghị trường ngày 29/5, rằng:

“Một đất nước có cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp.”

Nền kinh tế tuột dốc không phanh với quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn, do sự “lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng”, cũng như do việc các quan Đảng chỉ lo đấu đá, tranh giành quyền lực, bất kể quốc kế dân sinh.

Như sợi dây đàn bị kéo căng quá thì sẽ đứt. Khi Đảng cầm quyền bỏ mặc dân chúng lầm than để tranh ăn, thì “cùng tất biến” – đó là quy luật ngàn đời mà các thế hệ người Việt đã đúc kết.

 

Chúc Anh – thoibao.de