Báng bổ Phật pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi công kẻ gian, trấn an kẻ ác

Ngày 30/5, Blogger Đồng Phụng Việt bình luận “Đại tự lâm nguy”. Bài viết đăng trên RFA Tiếng Việt.

Tác giả nhận xét, thực trạng mà Thượng tọa Thích Giác Nguyên khái quát, đại ý: Bá tánh “quá chán”, thậm chí “quá bất mãn”, và “quá thù” cảnh “mặc tăng y mà xài bạc triệu, xài đồ sang, xe sang, chùa sang, chỗ ở sang”, nên chỉ một “thằng cha cầm nồi cơm điện”, cũng “hút cả triệu người đi theo” nhằm “giải tỏa ẩn ức”, đang làm “cả trăm triệu nổi điên”, chỉ là hậu quả có tính tất yếu. “Nồi cơm điện” có thể “tàn sát Phật giáo” cho thấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lạc lối khi dấn bước theo tiêu chí “đạo pháp, dân tộc, Chủ nghĩa Xã hội”…

Tác giả nhận định, nỗ lực kết hợp “đạo pháp” với “Chủ nghĩa Xã hội” đã biến “dân tộc” thành công cụ cho cả Đảng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam “phát triển sự nghiệp” mỗi bên. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam không cúi đầu khuất phục, tự nguyện phụng sự thế quyền, không chỉ cho phép, mà còn khuyến khích chư tăng mưu tìm danh lợi từ đó, thì sẽ không có chuyện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tâm, nhất trí, chấp nhận “tâm linh” trở thành một thứ công cụ để chính quyền và doanh nghiệp phát triển “du lịch”, tạo thành các “dự án du lịch tâm linh”.

Tác giả nêu dẫn chứng, nếu không có “đạo pháp, dân tộc, Chủ nghĩa Xã hội”, sẽ không có Tập đoàn Xuân Trường nổi như cồn, lớn nhanh như thổi, với các dự án du lịch tâm linh như Tràng An – Bái Đính ở Ninh Bình, Tam Chúc – Ba Sao ở Hà Nam. Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại tỏ ra hết sức hoan hỉ, bởi được Tập đoàn Xuân Trường “đài thọ mọi chi phí” cho “400 cán bộ, công nhân viên”, và có các đại tự mang những yếu tố không “nhất thế giới”, “nhất Đông Nam Á” thì cũng… “nhất Việt Nam”, để tổ chức Đại lễ Vesak – kỷ niệm cùng lúc 3 sự kiện: Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn!

Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỏ ra rất rạch ròi trong việc minh định, “người được mạng xã hội gọi là “sư Thích Minh Tuệ”, không phải tu sĩ Phật giáo”, và rất nhạy cảm khi việc ông bộ hành có thể bị lợi dụng, để “xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, nhưng lại rất vô tư khi một số cá nhân, không ít doanh nghiệp, đem Phật giáo gắn vào các dự án để thủ lợi

Hơn nữa, theo tác giả, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng rất vô tư khi từ trên xuống dưới, cùng gửi văn bản cho các cơ quan tư pháp, xin giảm hình phạt cho cư sĩ Từ Vân, thế danh là Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của An Viên Group . Tuy là cư sĩ, nhưng ông Vũ cố tình bịa đặt về việc, có một doanh nghiệp nước ngoài muốn mua AVG với giá 700 triệu Mỹ kim, và đã đặt cọc 10 triệu Mỹ kim, rồi cùng các viên chức hữu trách của Việt Nam bơm giá trị 95% của AVG, lên 8.700 tỷ đồng. Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì cần giảm hình phạt cho cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ, vì ông ta đã cung hiến 1.300 tỷ đồng cho các dự án án sinh xã hội, về y tế, giáo dục, và “hoằng dương Phật pháp”.

Vẫn theo tác giả, còn gì báng bổ Phật pháp hơn, khi cúng dường, giải nghiệp, tạo phúc, lại khiến cho tham quan thêm vững tâm, sau khi thẳng tay cướp đoạt phúc lợi của các giới, trấn lột dân lành, thì chi một ít làm “công đức”, là có thể thảnh thơi “ăn no, ngủ kỹ”. Những câu chuyện như ông Nguyễn Thanh Hóa – Thiếu tướng, Cục trưởng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao, vừa bảo kê để nhận 20% trong hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận của nhóm tội phạm chuyên tổ chức đánh bạc, vừa cúng chùa Thiên Hưng ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định một đại hồng chung; hay chuyện vợ chồng ông Lê Văn Minh – Thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4. Ông này vừa nhận vài tỷ đồng hối lộ, vừa yêu cầu người đưa hối lộ góp thêm vài trăm triệu, để đúc chuông cúng chùa, và làm “công đức” tại các chùa, … tự nhiên sẽ khiến thiên hạ nổi giận với kiểu thuyết pháp cúng tiền lẻ là mất phước!

Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi công kẻ gian, trấn an kẻ ác, thì đại tự lâm nguy là tất nhiên, bởi Phật giáo đâu phải là như thế, dân trí và dân khí càng không tầm thường như “chư tăng” vẫn tưởng!

 

Minh Vũ – thoibao.de