Vì sao Tô Đại bắt buộc phải xử lý Huy Đức sớm, nhưng chậm công bố tin khởi tố?

Ngày 1/6, mạng xã hội loan truyền các tin tức liên quan đến sự vắng mặt bất thường của nhà báo Huy Đức – một cây bút nổi tiếng trong làng báo Việt Nam. Cùng ngày, Luật sư Trần Đình Triển – một đồng hương Hà Tĩnh của Huy Đức, cũng bị bắt giam, nhưng không biết lý do.

Phải tới ngày 7/6, truyền thông nhà nước mới chính thức công bố, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam nhà báo Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân. Cả hai đều bị cáo buộc với tội danh, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến thắc mắc, và đặt câu hỏi, tại sao, 2 ông Huy Đức và Trần Đình Triển đã bị bắt từ ngày 1/6, nhưng mãi đến ngày 7/6 Bộ Công an mới công bố Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam, đối với 2 nhân vật này – những người vốn được cho là “túi khôn” của phe Hà Tĩnh?

Trước đó, theo BBC, bạn bè ông Huy Đức vẫn hy vọng rằng, khả năng cao, nhà báo sẽ được trả tự do, sau thời gian ngắn tạm giữ. Nhiều ý kiến của giới thạo tin khẳng định, các bên liên quan đang thương lượng, để đi tới quyết định cuối cùng: sẽ xử lý hay tha bổng cho nhà báo Huy Đức.

Theo giới quan sát, những điều này cho thấy, tới thời điểm tạm giữ nhà báo Huy Đức, ngày 1/6, cuộc chiến quyền lực giữa Tổng Trọng và Chủ tịch Tô vẫn chưa ngã ngũ, trong việc định đoạt ghế tân Bộ trưởng Bộ Công an.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phải vội bắt nhà báo Huy Đức, trong điều kiện chưa quyết định chắc chắn, là tạm giữ rồi có thể phải trả tự do, hoặc tạm giữ rồi khởi tố và bắt tạm giam.

Theo giới quan sát, việc Bộ Công an quyết định câu lưu 2 cái “túi khôn” của phe Hà Tĩnh, là điều bắt buộc. Bởi để Thượng tướng Lương Tam Quang trở thành tân Bộ trưởng Bộ Công an, nếu không bịt miệng 2 nhân vật này, thì ông Tô Lâm và Bộ Công an lại rơi vào vết xe đổ, như trong sự kiện Quốc hội bầu ông Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước, khá chật vật.

Nếu ngược dòng thời gian, vào ngày 19/5, trong cuộc họp báo giới thiệu chương trình nghị sự kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 15, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông báo: “Quốc hội sẽ bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước, nhưng sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm. Vì cấp có thẩm quyền chưa phê chuẩn nhân sự tân Bộ trưởng Công an để thay thế.”

Ngay sau đó, có rất nhiều ý kiến khác nhau, bình luận thông báo vừa kể, phe ủng hộ ông Tô Lâm khẳng định, cựu Bộ trưởng Bộ Công an vẫn tiếp tục duy trì quyền lực của mình, đồng thời ca ngợi ông Tô Lâm đã hóa giải thành công sức ép từ phe Tổng Trọng đang chiếm số ghế áp đảo trong bộ Chính trị.

Nhưng bất ngờ, nhà báo Huy Đức lên tiếng phản đối, cho rằng: “Hiến pháp không cấm Chủ tịch nước kiêm bộ trưởng… Nhưng quyền lực nhà nước là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm.”

Ngay lập tức, “gió đã xoay chiều”, công luận đồng tình với Huy Đức, và cho rằng, ông Tô Lâm đã là Chủ tịch nước, thì không thể đồng thời vừa làm Bộ trưởng Công an.

Cũng ngay lập tức, “cái loa” Bùi Văn Cường cũng trở giọng, chiều ngày 21/5, cho rằng, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thêm một nội dung vào chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội 15. Theo đó, Quốc hội thực hiện các quy trình phê chuẩn, miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an, và bầu Chủ tịch nước, đối với ông Tô Lâm.

Do vậy, sự “kích động” của Huy Đức đã đẩy Chủ tịch Tô Lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Theo giới phân tích, việc ông Tô Lâm bất ngờ bị miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an, không phải hoàn toàn do dư luận, nhưng chắc chắn, dư luận là một phần quyết định, trong đó, bàn tay của Huy Đức đã góp phần không nhỏ.

Tương tự, Facebooker Thái Lâm Phạm, một người nổi tiếng trên mạng xã hội, trong một status phản biện tất cả các thể loại ca ngợi Huy Đức, như một tượng đài này kia. Đã cho rằng, “ngày xưa Huy Đức đánh 3X khủng khiếp, ông ấy lôi thông tin từ thời đóng khố của 3X ra, nhằm bôi nhọ để hạ bệ. Trong khi, kinh tế dưới thời 3X sục sôi, đâu đâu cũng thấy nụ cười phơi phới. Và điều quan trọng nữa, đất nước khi đó sắp thoát Trung thành công, khi 3X ngả hẳn sang Mỹ.

Nhưng, cuối cùng, nhờ công của Huy Đức, người ta đánh 3X cái rẹt. Đấy, tất cả là nhờ một phần không nhỏ tài đánh đấm của Huy Đức.”

 

Trà My – Thoibao.de