Chỉ khi nào Việt Nam có tự do tôn giáo, thì Phật giáo mới được chấn hưng

Ngày 11/6, BBC Tiếng Việt bình luận “Sư Thích Minh Tuệ: Nhu cầu bức thiết thanh lọc Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

BBC dẫn một số nhà quan sát, cho rằng, dù hành trình bộ hành đặc biệt của sư Thích Minh Tuệ đã dừng lại nhưng còn đó nhu cầu cấp thiết cần thanh lọc Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tổ chức không công nhận ông là tu sĩ.

BBC dẫn lại một bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm năm 2022, nhận định, bất chấp sự phát triển về hình thức và quy mô, tinh thần chánh pháp và tu học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang đi xuống.

Theo BBC, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định mục đích của mình, là phụng sự lý tưởng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

Theo đó, các tăng ni của Giáo hội, đặc biệt là các bậc chức sắc, tích cực tham gia những nhiệm vụ chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam giao phó.

Nhiều sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam gia nhập Đảng Cộng sản, và được tuyên dương là có thành tích ngăn chặn các “âm mưu xuyên tạc, kích động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.

BBC cho biết, công tác này không chỉ được thực hiện trong nước, mà còn vươn ra hải ngoại.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các hội Phật tử, trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt, ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.

BBC dẫn quan điểm của ông Bửu Nguyễn, nghiên cứu sinh ngành Phật học ứng dụng tại Nan Tien Institute (Úc), thì theo giáo pháp của Đức Phật, tu sĩ không được tham gia vào những việc như vậy.

“Đã xuất gia rồi thì chỉ lo việc tu tập với mục đích là giải thoát.”

BBC cũng dẫn Thượng tọa Thích Đồng Long, Chánh Thư ký Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất miền Quảng Đức – một tổ chức thành lập năm 1964, nhưng không được chính quyền hiện nay công nhận – cũng đồng tình với ý kiến rằng, nhà sư không nên tham gia chính trị.

“Việc nhà sư tham gia chính trị là hoàn toàn không phù hợp. Có thể trong một xã hội nhiều biến động, mình cần làm những gì lợi ích cho đạo, cho dân trong một giai đoạn thì có thể phù hợp. Xong rồi thì trở về tu học.”

“Còn nếu trọn đời người đó đã tu mà tham gia vào một cái tổ chức đảng phái chính trị, và vì quyền lợi của tổ chức này mà sẵn sàng làm những điều có thể trái với đạo đức, trái với lời Phật dạy, thì vấn đề đó hoàn toàn không phù hợp.”

BBC dẫn Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu rõ “việc tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tự nguyện”.

Tuy nhiên, kể từ khi thành lập cho tới nay, Giáo hội này luôn thực hành một chính sách, mà giới quan sát gọi là “độc quyền Phật giáo”, đó là chỉ công nhận các thành viên của mình là tu sĩ.

Người tu hành và các cơ sở Phật giáo độc lập cho biết, họ thường xuyên được mời gọi, thậm chí bị gây áp lực, để tham gia Giáo hội này.

Sư Thích Đồng Long nói:

“Họ gây khó dễ cho công tác tu học của chúng tôi. Họ đã nhiều lần kêu gọi chúng tôi phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam quốc doanh của họ.”

BBC nhắc lại một số vụ đàn áp các tổ chức Phật giáo độc lập, như vụ bắt tù ông Phan Văn Thu, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo. Ông Thu và 2 thành viên đã chết trong tù, còn 12 người vẫn đang trong trại giam.

Một sự kiện khác là vụ bắt giam cha con ông Bùi Văn Trung, người sáng lập Đạo Tràng Út Trung (thuộc Phật giáo Hòa Hảo) ở An Giang.

Hay các vụ đàn áp đối với các tu sĩ nổi tiếng, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ…

Trong khi đó, vẫn theo BBC, một loạt những lùm xùm liên quan đến lối sống, cách hành đạo, thuyết giảng của các tu sĩ chủ yếu là thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gây bức xúc dư luận, và suy giảm niềm tin vào Phật pháp và tu sĩ.

Trong bối cảnh đó, ông Bửu Nguyễn cho rằng việc thanh lọc hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “vô cùng bức thiết”.

Nhưng theo sư Thích Đồng Long thì thanh lọc mấy cũng không ăn thua.

“Chỉ khi nào Việt Nam có tự do tôn giáo thật sự, các tổ chức tôn giáo độc lập, có thể ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có những giáo hội khác, những tổ chức những hệ phái khác tự do hành đạo, được chính quyền chấp nhận, không đàn áp, khi đó mới mong rằng Phật giáo tại Việt Nam có thể chấn hưng mà phát triển được.”

 

Quang Minh – thoibao.de