Nhân vật nào sẽ ngồi vào ghế Bí thư Thành uỷ Hà Nội?

Ngày 26/6, BBC Tiếng Việt bình luận “Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Ai thay ông Đinh Tiến Dũng?”

Theo đó, ngày 25/6, Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, khóa 17, thông báo quyết định của Bộ Chính trị, phân công bà Nguyễn Thị Tuyến – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, điều hành Thành ủy Hà Nội, cho đến khi chính thức có Bí thư mới theo quy định.

BBC nhận xét, điều này cho thấy, Bộ Chính trị sẽ chọn một người khác thay cho ông Đinh Tiến Dũng.

Vậy ai sẽ là ứng cử viên sáng giá?

Theo Điều 6 Quy định 80-QĐ/TW năm 2022, thì Bộ Chính trị có quyền chỉ định nhân sự cho ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội “khi cần thiết”, không cần phải trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

BBC nhắc đến 3 đời Bí thư Thành ủy Hà Nội gần nhất, gồm ông Hoàng Trung Hải (2016 – 2020), ông Vương Đình Huệ (2020 – 2021) và ông Đinh Tiến Dũng (2021 – 2024), đều được coi là những nhà kỹ trị – tức có chuyên môn, học vấn về kỹ thuật hoặc kinh tế, và có quá trình công tác trong các lĩnh vực này.

Nếu xét tiêu chuẩn vừa “hồng” vừa “chuyên”, thì 3 Bí thư Thành ủy này đều hội đủ.

Theo BBC, giai đoạn trước đó, từ năm 2000 – 2015, các Bí thư Thành ủy Hà Nội là ông Nguyễn Phú Trọng (2000 – 2006) và ông Phạm Quang Nghị (2006 – 2015) là những người “hồng” hơn “chuyên”.

BBC đề cập đến việc, sau sự ra đi của ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Chính trị hiện còn 15 người. Trong đó, có 4 gương mặt được bầu mới ngày 16/5.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Abuza, từ Đại học National War College (Mỹ), cho rằng, nhìn vào những gương mặt mới được bầu này, cho thấy, Đảng đang rất lo lắng “về công tác huy động quần chúng và sự kiểm soát của Đảng”.

Giáo sư Abuza phân tích rằng, 3 trong số 4 ủy viên Bộ Chính trị mới được bầu, ngoại trừ ông Lê Minh Hưng, đều không có kinh nghiệm trong quản lý nhà nước hay trong lĩnh vực kinh tế – nghĩa là “hồng” hơn “chuyên”.

BBC đánh giá, sau sự ra đi của ông Đinh Tiến Dũng, thì Bộ Chính trị gồm 15 người, chỉ còn ông Lê Minh Hưng được coi là “nhà kỹ trị”. Những người còn lại là các nhà lý luận, cán bộ Đảng, hoặc công an, quân đội.

Như vậy, nếu Đảng quyết định chọn người vừa “hồng” vừa “chuyên” ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay ông Đinh Tiến Dũng, thì ông Lê Minh Hưng là một lựa chọn khả dĩ.

Tuy nhiên, BBC dẫn ý kiến của các nhà quan sát, cho rằng, Đảng đang muốn gia tăng kiểm soát, nên khả năng cao, Đảng sẽ quay lại thời kỳ 2000 – 2015, chọn một người “hồng” hơn “chuyên” ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Xét các ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, ứng cử viên tiềm năng hội tụ đủ các tiêu chuẩn, là ông Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

BBC cho biết, mặc dù ông Chiến học trường nông nghiệp và có thời gian làm ở doanh nghiệp nhà nước, nhưng cơ bản, quá trình công tác của ông chủ yếu là công tác Đảng. Do đó, ông được nhiều nhà quan sát xếp vào nhóm “hồng”.

Vẫn theo BBC, ông Đỗ Văn Chiến sinh năm 1962, quê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, và có trình độ cử nhân nông nghiệp. Xét tiểu sử của ông, có thể thấy, ông không có nhiều kinh nghiệm lẫn chuyên môn, để điều hành một thành phố lớn như Hà Nội.

BBC cho biết thêm, bên cạnh ông Chiến, một số nhân vật khác trong Bộ Chính trị cũng có thể được chọn ngồi vào ghế Ní thư Thành ủy Hà Nội, là Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, nhưng cũng là “hồng” hơn “chuyên”.

BBC dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore, theo đó, nhìn chung, số lượng ủy viên Bộ Chính trị là những nhà kỹ trị ngày càng giảm, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức nhiều mặt, từ các vấn đề kinh tế đến chuyển đổi năng lượng và chính sách đối ngoại.

 

Thu Phương – thoibao.de