Cuộc đua vào ghế Tổng Bí thư: Thủ Chính lại ghi điểm cộng trước Tô Đại như thế nào?

Trong thời gian gần đây, chính trường Việt Nam nóng lên từng ngày, nhất là sau khi 2 thành viên của phe Nghệ Tĩnh là Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Văn Yên bị đánh gục.

Công luận hồi hộp chờ đợi tới lượt Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, cánh tay phải của Tổng Trọng sẽ được xướng danh và cho thôi chức.

Đây là một vấn đề gần như đã chắc chắn, nằm trong mục tiêu của ông Tô Lâm và Bộ Công an, trong tiến trình “đảo chính không tiếng súng”, nhằm hạ bệ Tổng Trọng. Đồng thời, ông Tô Lâm cũng quyết tâm xóa sổ phe Nghệ Tĩnh, để dỡ bỏ toàn bộ hệ thống chân rết quyền lực mà ông Trọng xây dựng trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn tỏ ra thận trọng trước chiến thắng của ông Tô Lâm và phe cánh, bởi nhiều lý do. Trong đó, có lý do, vì sao, ông Tô Lâm sau hơn một tháng trên cương vị Chủ tịch nước, vẫn chưa có biểu hiện sẽ công du nước ngoài? Phải chăng, Chủ tịch Tô Lâm và Bộ Công an vẫn chưa nắm chắc việc quản lý trong nội bộ Đảng?

Trong thời gian gần đây, trong các “Tứ trụ” của Việt Nam, duy nhất chỉ có Thủ tướng Phạm Minh Chính có hàng loạt chuyến thăm nước ngoài. Sau chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Hà Nội, Thủ tướng Chính đã thực hiện chuyến công du Trung Quốc, dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024. Rồi tiếp tục tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngay sau đó, ngày 30/6, Thủ tướng Chính lại lên đường thăm chính thức Hàn Quốc.

Đáng chú ý là cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào ngày 26/6. Theo truyền thông nhà nước, ngày 27/6 cho biết, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức thông báo “Việt Nam có kế hoạch xây dựng 3 tuyến đường sắt nối với Trung Quốc”, trong khuôn khổ sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường”, do ông Tập Cận Bình khởi xướng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, 3 dự án đường sắt đang được xem xét, cụ thể là: tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; tuyến Lạng Sơn – Hà Nội; và tuyến Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng. Cũng tại Hội nghị ở Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội và Sài Gòn.

Còn tin hành lang thì cho biết, việc Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, đề xuất phương án xem xét việc mua dòng máy bay chở khách C919 của Trung Quốc, để khắc phục tình trạng thiếu hụt tàu bay trầm trọng của Vietnam Airlines, cũng xuất phát từ gợi ý từ Văn phòng Chính phủ, trước chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng.

Chuyến đi Bắc Kinh của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra vào lúc Bắc Kinh đang cố gắng thắt chặt quan hệ với Hà Nội, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt Trung – Mỹ trong khu vực Asian. Trong lúc, chỉ còn 17 tháng nữa, Đại hội Đảng 14 sẽ diễn ra (dự kiến vào tháng 1/2026), với 2 ứng cử viên cuối cùng là Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Giới phân tích quốc tế trước đây từng đánh giá, ông Tô Lâm có khả năng rất cao sẽ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, để ông Tô Lâm vượt qua được ông Chính, không phải là điều dễ dàng. Với lý do, trái ngược với ông Tô lâm – một chính khách được cho là “gây tranh cãi” trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, thì ngược lại, Thủ tướng Chính lại nhận được sự ủng hộ cao của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.

Đó là lý do vì sao, sau chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính, được Ban lãnh đạo Trung Nam Hải đánh giá cao và ủng hộ. Điều này được cho là, đã mang lại rất nhiều lợi ích cho Bắc Kinh, trong các dự án giao thông kết nối Việt Nam và Trung Quốc, trong khuôn khổ sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng.

Đây là một “quả tạ”, nếu ném lên đĩa cân, sẽ nghiêng về phía ông Chính nhiều hơn, trong khả năng trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng 14, trong cuộc đua giữa 2 ứng viên Tô Lâm và Phạm Minh Chính./.

 

Trà My – Thoibao.de