Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin, Chủ tịch nước Tô Lâm đã kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên, đến Lào và Campuchia, từ ngày 11 đến đến 13/7. Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV tối 13/7 đưa tin, phái đoàn cấp cao của Việt Nam do Chủ tịch Tô Lâm dẫn đầu, đã kết thúc chuyến thăm Lào và Campuchia, và đã về tới Hà Nội
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tô Lâm, trên cương vị Chủ tịch nước. Chuyến đi này cũng thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo nhà nước Việt Nam đối với các quốc gia láng giềng ở phía tây.
Sau chuyến thăm thủ đô Viêng Chăn của Lào, vào ngày 11/7, đoàn cấp cao của Việt Nam đã đến thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào chiều 12/7, để tiếp tục chuyến thăm đất nước này.
Chuyến công du của người đứng đầu nhà nước Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng đến Lào và Campuchia – vốn là 2 đồng minh chiến lược có truyền thống lâu đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, mối quan hệ có nhiều bất đồng giữa Việt Nam và Campuchia, đã đặc biệt trở nên phức tạp, liên quan đến Dự án kênh đào Funan Techo, khiến lãnh đạo Việt Nam gần đây hết sức lúng túng và bị động.
Theo kế hoạch, ngày 5/8 tới đây, nhà nước Campuchia sẽ chính thức động thổ Dự án kênh đào Funan Techo, nhân ngày sinh của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen. Dự án này, sau khi triển khai, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, cũng như sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 20 triệu người dân.
Tuy nhiên, các hãng tin quốc tế nhận xét, khi gặp Thủ tướng Cambodia Hun Manet; Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen; Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary; Quốc vương Norodom Sihamoni… thì Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm lại không hề đả động gì đến vấn đề kênh đào Funan Techo.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, khi gặp ông Hun Sen, Chủ tịch Tô Lâm vẫn lạc quan nhấn mạnh: “Không để thế lực thù địch xuyên tạc, chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam và Campuchia.”
Điều này trái ngược với dự kiến của giới quan sát trong nước và quốc tế. Trước đó, nhiều người vẫn hy vọng rằng, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có những giải pháp phù hợp, để dung hòa quyền lợi của 2 nước Việt Nam và Campuchia, liên quan đến Dự án kênh đào Funan Techo. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Đáng chú ý, trong chuyến thăm Lào ngày 11/7, một sự kiện được coi là “tâm điểm” của báo chí, đó là, Chủ tịch Tô Lâm đã thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, trao tặng 20 chiếc xe ô tô điện VinFast VF9. Thậm chí, Chủ tịch Tô Lâm còn “đích thân cầm lái”, điều khiển chiếc xe ô tô VF9, chở Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào – ông Thongloun Sisoulith, cho phóng viên báo chí chụp hình, quảng cáo sản phẩm ô tô điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Sự kiện này đã gây ra những tranh cãi trên mạng xã hội của người Việt. Số đông các ý kiến không tán đồng, khi cho rằng, ông Tô Lâm tự mình đóng vai trò “đại sứ thương hiệu cho VinFast” tại Lào, là điều rất không phù hợp.
Trong thời gian gần đây, liên quan đến việc đấu đá tranh giành quyền lực giữa Chủ tịch Tô Lâm và phe cánh, vụ án “Mobifone mua 95% Cổ phần của Công ty AVG, liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng” đã bị đào xới. Theo đó, ông Tô Lâm bị cáo buộc có trách nhiệm liên đới, trong việc làm thất thoát của nhà nước gần 7.000 tỷ đồng, vào thời điểm năm 2015.
Có ý kiến chỉ trích thẳng, khi cho rằng, vị thế của Chủ tịch nước Tô Lâm bây giờ đã khác. Khi “đi qua ruộng dưa thì chớ có buộc lại giây giày”, để tránh phát sinh những nghi ngờ không đáng có, và không cần thiết.
Giới lãnh đạo không nên, và không được, để các nhóm lợi ích lợi dụng, nhằm quảng cáo cho họ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của quốc gia./.
Trà My – Thoibao.de