Việt Nam vẫn chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường

Ngày 2/8, VOA Tiếng Việt cho hayMỹ từ chối cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam”.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ, hôm 2/8, công bố rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục bị phân loại là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường.

VOA trích tuyên bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cho biết: “Kết luận này có nghĩa là, phương pháp tính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ, đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn giữ nguyên”.

Bộ Thương mại Mỹ ban đầu dự kiến đưa ra quyết định này vào ngày 26/7, nhưng đã lùi lại 1 tuần, với lý do gián đoạn về công nghệ thông tin. Thực tế, ngày 26/7 cũng là ngày Việt Nam tổ chức Quốc tang cho Tổng Trọng.

VOA cho biết, Việt Nam đã mong đợi được Mỹ đưa ra khỏi danh sách 12 nền kinh tế phi thị trường. Các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, trong năm qua, đã nhiều lần lên tiếng, kêu gọi Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này, và cho rằng, điều này sẽ có lợi hơn cho quan hệ 2 nước.

VOA trích dẫn báo Tuổi Trẻ, cho biết, Bộ Công thương nói “lấy làm tiếc” về quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.

“Điều này có nghĩa rằng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt nam vào thị trường Mỹ, sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử, trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ.”

“Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam, tiếp tục không được công nhận, mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba, để tính toán biên độ phá giá.”

VOA cũng cho hay, hàng chục nhà lập pháp Mỹ đã gửi thư lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, để yêu cầu Bộ này không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, với lý do, Việt Nam vẫn vận hành một nền kinh tế kế hoạch, được điều chỉnh bởi các nghị quyết của Đảng Cộng sản. Các thượng nghị sỹ và dân biểu Mỹ cũng đã nêu ra những quan ngại, về quyền lao động hay mối liên hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc, về nguyên liệu sản xuất.

VOA tiếp tục dẫn báo Tuổi Trẻ, theo đó, Bộ Công thương cho rằng, nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam “một cách khách quan, công bằng, thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng, Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường, như 71 nền kinh tế khác đã công nhận”.

Theo VOA, ngay sau khi Bộ Thương mại đưa ra kết luận bác bỏ yêu cầu cấp quy chế thị trường của Việt Nam, ông Kevin Dempsey – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Sắt và Thép Hoa Kỳ, hôm 2/8, cho biết, họ hoan nghênh quyết định này.

Ông Dempsey giải thích, nếu Việt Nam, mà ông cho là “tham gia vào nhiều hoạt động thương mại không công bằng”, được Mỹ nâng cấp lên kinh tế thị trường, thì việc này sẽ “khuyến khích gian lận thương mại nhiều hơn nữa, trong khi gây tổn hại cho ngành thép của Hoa Kỳ, và nhiều ngành công nghiệp khác tại Mỹ”.

Trong khi các nhà sản xuất của Mỹ phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, thì những nhà bán lẻ ở Mỹ lại ủng hộ việc này.

VOA dẫn lời Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, nói rằng, ông “không ngạc nhiên và ủng hộ” quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.

“Việc thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vào thời điểm này là không thực tế, là một sai lầm địa chính trị chiến lược, và gây bất lợi cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”

Luật sư Khanh cho biết, ông ủng hộ việc đưa Việt Nam trở thành “đối tác thân thiện, tích cực và đáng tin cậy, trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ, nếu Việt Nam “quyết tâm điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính trị, kinh tế, hướng tới nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh”.

Vẫn theo VOA, Bộ Công thương nói hôm 2/8 rằng, trong thời gian tới, họ sẽ “nghiên cứu, phân tích các lập luận, trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ”. Bộ này đặt mục tiêu là sẽ bổ sung, hoàn thiện lập luận, để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ thương mại Mỹ, xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

 

Hoàng Anh  – thoibao.de