Ngày 4/8, BBC Tiếng Việt cho hay “Ông Tô Lâm làm Tổng Bí thư: quốc tế nói gì?”
Theo đó, sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Tổng Bí thư, nhiều trang báo quốc tế đã đưa tin về sự kiện này, với những bình luận khác nhau.
Lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Lào và Campuchia, đã gửi điện chúc mừng.
BBC trích bài viết của hãng tin quốc tế, dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, cho rằng:
“Đây là dấu hiệu cho thấy sự tạm ngưng của các đấu đá nội bộ trong Đảng. Dù ông Lâm đã cam kết thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng, chiến dịch này có thể bị đình trệ, bởi ông ấy có thể ưu tiên sự ổn định của hệ thống Đảng, trước kỳ Đại hội năm 2026.”
BBC dẫn lời Giáo sư Thayer, từ Đại học New South Wales của Úc, cho rằng, việc ông Tô Lâm nhậm chức Tổng Bí thư “không phải là điều bất ngờ”. Ông Tô Lâm sẽ “đặc biệt cảnh giác” trong việc loại bỏ nhân sự không phù hợp trước Đại hội 14, cụ thể là “những ứng cử viên liên quan đến tham nhũng hoặc không đạt tiêu chuẩn của Đảng”.
BBC cho biết, ông Tô Lâm được cho là cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đốt lò”. Trong buổi họp báo sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cho biết, sẽ tiếp tục công cuộc chống tham nhũng, theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”.
BBC dẫn nhận xét của Giáo sư Zachary Abuza, từ Đại học National War College, Hoa Kỳ, cho rằng:
“Chiến dịch “đốt lò” sẽ không biến mất, bởi tham nhũng vẫn là một vấn đề ở Việt Nam. Và nguyên nhân nó tiếp tục tồn tại vẫn là chính trị.”
“Ông Tô Lâm đã sử dụng chiến dịch này để loại bỏ các đối thủ, và tôi nghĩ rằng, ông ấy sẽ tiếp tục sử dụng chiến dịch này để kiểm soát các đối thủ.”
“Tình hình đốt lò sẽ không trở nên gay gắt hơn, nhưng chắc chắn cũng sẽ không hạ nhiệt vào lúc này.”
Điều mà nhiều tờ báo nước ngoài quan tâm là, liệu ông Tô Lâm có tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng, nếu ông Tô Lâm từ chức Chủ tịch nước, người thay thế ông sẽ “là người từ quân đội, chứ không phải một đồng nghiệp từ Bộ Công an”. “Điều này sẽ giúp cân bằng quyền lực của Bộ Công an trong nhóm lãnh đạo cấp cao”, ông Giang nói thêm.
Theo BBC, từ nay, đến ngày Đại hội 14 diễn ra, ông Tô Lâm chỉ còn khoảng 16 tháng ngồi ghế Tổng Bí thư.
Khi đó, ông Tô Lâm sẽ hơn 68 tuổi. Chiếu theo quy định về độ tuổi tái cử vào Bộ Chính trị, ông Tô Lâm sẽ quá tuổi vào thời điểm đó.
Giáo sư Thayer cho biết:
“Nếu ông Tô Lâm muốn tiếp tục tại nhiệm, ông sẽ phải được miễn tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65, có thể viện dẫn việc ông có quá trình công tác xuất sắc.”
BBC trích nhận định trên hãng tin quốc tế khác, theo đó, ông Tô Lâm nhậm chức Tổng Bí thư đúng vào thời điểm quan trọng của Việt Nam, khi đang trở thành quốc gia sản xuất và hưởng lợi từ chính sách của các doanh nghiệp quốc tế, về đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Giới đầu tư ngày càng lo ngại, khi các quan chức cấp cao của Việt Nam liên tiếp mất chức, mà không có lý do cụ thể. Việc ông Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư, phần nào cho thấy, Việt Nam đang dần ổn định hơn về mặt chính trị. Tuy nhiên, hãng tin quốc tế cũng cho rằng, việc ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư “có thể làm dấy lên thêm lo ngại về các quyền tự do dân sự ở Việt Nam”.
Vẫn theo BBC, trước đó, trong bối cảnh Tổng Trọng vừa qua đời và quyền lực của ông Tô Lâm đang lên, vào ngày 31/7, ông Claudio Francavilla – đại diện của tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Liên minh châu Âu, nhận định với một hãng tin quốc tế rằng: “sự gia tăng quyền lực của ông Tô Lâm không phải một tin vui cho nhân quyền”.
Ông Francavilla nói thêm:
“Sự đàn áp và không hề khoan nhượng của Chính phủ Việt Nam, trước những chỉ trích, cũng như sự thù hằn đối với các quyền dân sự và chính trị cơ bản sẽ gia tang.”
Quang Minh – thoibao.de