Nếu không cải cách thể chế theo hướng dân chủ hơn, Mỹ khó công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Ngày 7/8, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, có bài bình luận “Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đến bao lâu nữa?”, đăng trên diễn đàn RFA Tiếng Việt.

Tác giả nhắc lại thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, đã tạo ra một hiệu ứng quan trọng: Các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc hoảng sợ, và phải tìm kiếm một kế hoạch phòng bị, trong trường hợp mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden kế tục các chính sách thuế đối với Trung Quốc của Donald Trump, và đẩy mức thuế nhập khẩu lên cao hơn nữa và mở rộng ra nhiều mặt hàng.
Tác giả cho rằng, dù bị Mỹ coi là nước có nền kinh tế phi thị trường từ lâu, nhưng sự đối xử của Mỹ đối với Việt Nam dễ chịu hơn đối với Trung Quốc nhiều.

Đến gần đây, Việt Nam mới tích cực và cố gắng giải thích, cũng như làm áp lực để được Mỹ công nhận là kinh tế thị trường.

Tác giả nhận xét, nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các công ty Trung Quốc sẽ tràn ngập vào Việt Nam, lắp ráp đơn giản và đóng gói sản phẩm của họ với nhãn hiệu “Made in Vietnam”, để dễ dàng xuất đi Hoa Kỳ với thuế suất thấp. Khi đó, Việt Nam sẽ hưởng lợi, nhưng ngược lại, chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Hoa Kỳ trở nên vô hiệu.

Tác giả đánh giá, Hoa Kỳ chắc chắn biết rằng, Việt Nam đã chính thức trở thành một đối tác của chiến lược “Một Vành Ðai – Một Con Ðường” của Trung Quốc, thông qua một loạt dự án dọc biên giới, được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, như các dự án đặc khu, 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc, và cả dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Với điều này, chắc chắn, Việt Nam sẽ bị trói buộc hơn vào Trung Quốc, và các dự án này dễ dàng trở thành đòn bẩy để Trung Quốc đưa ra những yêu sách.

Bên cạnh đó, tác giả chỉ ra một loạt các vấn đề về các cấu trúc kinh tế của Việt Nam, không hoạt động theo quy chế thị trường.

Thứ nhất là thị trường nhà đất, không hoạt động lành mạnh. Giới tư bản đỏ với sự chống lưng của các quan chức, dễ dàng giành được các mảnh đất ở vị trí tốt, với những mức giá rẻ bèo.

Thứ hai là luật lệ không công bằng đối với các tác nhân khác nhau trong nền kinh tế.
Thứ ba là thị trường tài chính. Các doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với chính quyền, có thể nhận được những khoản vay dễ dàng và ưu đãi. Các công ty nhà nước được cứu trợ và hỗ trợ nhanh chóng, nếu thua lỗ.
Thứ tư là thị trường hối đoái hầu như bị kiểm soát chặt chẽ. Việc chuyển đổi tiền Ðồng sang một loại tiền tệ khác rất khó khăn, và tỷ giá bị Chính phủ kiểm soát hoàn toàn.

Thứ năm là lương bổng. Việc không tồn tại một công đoàn độc lập, hoạt động vì ý nguyện của công nhân, khiến công nhân không đạt được thoả thuận về lương bổng và các điều kiện làm việc với giới chủ.

Thứ sáu là việc ưu đãi quá mức cho doanh nghiệp nước ngoài, khi miễn giảm thuế doanh nghiệp, thuế đất… cho họ.

Tác giả bình luận, có thể nói, tất cả những tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá một nền kinh tế hoạt động theo nguyên tắc của thị trường, trong đó, nhà nước chỉ đứng bên ngoài, không can thiệp, đã không đạt được.

Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc Mỹ công nhận rằng, các sai phạm mang tính cơ cấu về chính sách kinh tế của chính quyền Việt Nam là bình thường. Khi đó, Mỹ sẽ mất uy tín và khó mà bảo vệ các luận điểm của mình, trước các chất vấn của các đối tác kinh tế khác.

Tác giả nhận định, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có lẽ chỉ dừng lại ở mức hiện nay, và khó có thể tiến xa hơn, nếu Việt Nam không có một sự đột phá để cải cách thể chế chính trị sang hướng dân chủ hơn, văn minh hơn. Khi không có sự thay đổi về thể chế, thì Việt Nam vẫn tiếp tục bị xem là một nền kinh tế phi thị trường.
Quả bóng cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, giờ đây, chủ yếu nằm trong chân của Việt Nam, chứ không phải Hoa Kỳ.

 

Hoàng Anh – thoibao.de