Chủ đề nóng được dư luận quan tâm, liên quan đến chính trường Việt Nam những ngày gần đây, là việc, đến bao giờ thì lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam xử lý các sai phạm của ông Nguyễn Xuân Phúc và gia đình.
Cuối Đại hội 12, thế và lực của ông Bảy Phúc và phe cánh mạnh đến nỗi, đã có những đồn đoán rằng, Tổng Bí thư của Đại hội Đảng 13 có khả năng là Nguyễn Xuân Phúc. Trong giai đoạn đó, ông Phúc nhận được nhiều “ưu ái” từ Tổng Trọng, khi được đưa vào “trường hợp đặc biệt” cho danh sách nhân sự chủ chốt tại Đại hội 13.
Tuy nhiên, đến gần cuối nhiệm kỳ Đại hội 12, Tổng Trọng đã giới thiệu ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban Bí thư, là ứng viên cho chức Tổng Bí thư khóa 13. Đó là lý do, ông Phúc và phe cánh đã kiên quyết phản đối. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Tổng Trọng và Bảy Phúc không còn nồng ấm như trước.
Mãi đến khi Đại hội 13 kết thúc, ông Trọng trở thành Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, lúc đó, ông Bảy Phúc và mọi người mới biết, tất cả đã “mắc hỡm” ông Trọng. Bởi ngồi ghế Tổng Bí thư 3 nhiệm kỳ liên tiếp là điều cấm trong Điều lệ Đảng. Thực chất, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng chỉ là tấm lá chắn cho tham vọng cầm quyền đến chết của ông Trọng.
Sau đại dịch Covid-19, cuối năm 2021, đã có những đồn đoán râm ran rằng, bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ của cựu Thủ tướng Phúc, là “trùm cuối”, là chủ sở hữu 80% cổ phần của Công ty Việt Á.
Tuy nhiên, sau khi ông Phúc thôi giữ các chức vụ trong Đảng, Nhà nước và Quốc hội, với lý do theo nguyện vọng cá nhân, ngày 4/2/2023, tại lễ bàn giao chức vụ Chủ tịch nước, ông Phúc đã bất ngờ phát biểu:
“Gia đình tôi, vợ con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng.”
Kể từ đó, những đồn đoán về bà Thu trong đại án Việt Á cũng rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, giới thạo tin vẫn khẳng định, mọi tin đồn về việc bà Thu là “trùm cuối”, không phải là không có cơ sở. Bộ Công an đã lập chuyên án, và đưa những nghi vấn này vào khuôn khổ của một đại án đặc biệt nghiêm trọng.
Theo nguồn tin nội bộ, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã đưa ra các chứng cứ không thể chối cãi, theo đó, ông Phúc và bà Thu cùng thuộc cấp đã dính tới những sai phạm tày đình. Cụ thể là cáo buộc tham ô, đưa và nhận hối lộ cả hàng trăm triệu USD, liên quan đến các đại án như: Việt Á, chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB…
Mới nhất, có những cáo buộc cho rằng, ông Phúc và bà Thu đã nhận hối lộ từ bà Trương Mỹ Lan, chủ nhân Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, lên tới hơn 100 triệu USD. Cựu Thủ tướng Phúc đã tiếp tay cho Vạn Thịnh Phát và SCB, gây thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD cho người gửi tiền, các nhà đầu tư, cũng như các doanh nghiệp.
Công luận hết sức quan tâm và đang tranh cãi, liệu Bộ Công an có khởi tố, bắt giam ông Phúc và bà Thu hay không? Nếu có, thì khi nào lệnh bắt sẽ được thực thi?
Nhưng cũng có ý kiến khẳng định, Đảng đã có luật ngầm, sẽ không bắt giam các nhân vật thuộc Tứ trụ, kể cả khi đã nghỉ hưu.
Vì thế, việc truy cứu hình sự đối với ông Nguyễn Xuân Phúc là một quyết định hết sức khó khăn đối với Tô Tổng, nhất là trong thời gian gần đây, với sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Ba Dũng – người mà ông Bảy Phúc tìm đến khi hoạn nạn.
Mục tiêu cao nhất của chống tham nhũng là để thu hồi tài sản thất thoát. Vậy thì tại sao, nếu gặp khó trong việc bắt giam ông Phúc, Tô Tổng không tiến hành bắt bà Nguyệt Thu trước, để làm cơ sở truy thu tài sản có được do tham nhũng?