Ngày 26/8, mâm cỗ bày ra, Tô Lâm sẽ xơi món nào nhả món nào?

Ngày 16/8, trước khi đi Trung Quốc, ông Tô Lâm cho triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường, để sắp xếp lại nhân sự. Tại kỳ họp này, một lần nữa, ông bỏ qua Quy định của Đảng để đưa ông Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị. Với hành động này, xem như, Tô Lâm muốn để phần còn lại trong Trung ương Đảng hiểu rằng, những gì ông muốn thì luật cũng không thể cản.

Việc đưa ông Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có một lợi ích lớn – đấy là, Hưng Yên có được 2 uỷ viên Bộ Chính trị, nâng số uỷ viên Bộ Chính trị nhóm này lên, ngang hàng với nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh.

Khi nhóm Hưng Yên có 2 uỷ viên Bộ Chính trị, sẽ khiến cục diện trong tổ chức siêu quyền lực này, vốn đã nghiêng về Hưng Yên, giờ lại càng nghiêng nhiều hơn. Từ đây, ông Tô Lâm và ông Lương Tam Quang có thể tung hứng, và dẫn dắt Bộ Chính trị theo lộ trình mà họ đã định.

Kết thúc Hội nghị Trung ương bất thường ngày 16/8 vừa qua, chỉ riêng việc đưa được Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị, đã mang lại cho Tô Lâm một thắng lợi to lớn. Ngoài ra, ông còn đưa được ông Trần Lưu Quang, từ Chính phủ về làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, một bước đệm để chuẩn bị vào Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị.

Sau khi ông Tô Lâm đi Trung Quốc trở về, Quốc hội sẽ họp phiên bất thường vào ngày 26/8, để quyết định công tác nhân sự. Chủ yếu là ghế Chủ tịch nước, các ghế phó thủ tướng, và Bộ trưởng. Đáng chú ý là, có thể, ghế Chủ tịch nước sẽ giao cho Tướng Lương Cường. Đẩy ông Lương Cường sang Phủ Chủ tịch, thì Ban Bí thư sẽ trống thêm một chỗ. Đẩy thêm Nguyễn Hòa Bình sang Chính phủ, Ban Bí thư sẽ trống thêm 1 chỗ nữa. Lúc đó, ông Tô Lâm có nhiều cơ hội để đưa người của ông vào Ban Bí thư.

Nếu ông Tô Lâm nhả ghế Chủ tịch nước cho ông Lương Cường, thì đó là lựa chọn có lợi, ông “thả con tép, bắt con tôm”. “Con tép” chính là ghế Chủ tịch nước, còn “con tôm” là nhân sự Ban Bí thư. Chức Chủ tịch nước thấy oai nhưng không có thực quyền. Trong bối cảnh mới lên nắm quyền, Tô Lâm cần sắp xếp lại nhân sự Ban Bí thư, để củng cố sức mạnh, điều đấy có lợi cho ông hơn là kiêm nhiệm 2 chức, bởi khi nhả chức Chủ tịch nước, quyền lực của Tô Lâm vẫn không bị sứt mẻ gì.

Cả dàn Ban Bí thư do ông Trọng xây dựng, có đến 7 uỷ viên Bộ Chính trị, giờ đây Tô Lâm đã đẩy đi được 2 nhân vật. Tô Lâm sẽ thanh lọc dần dần, cho đến khi, Ban Bí thư đa số là thuộc hạ của ông. Một số người mới đến trong Ban Bí thư sẽ vào Bộ Chính trị, và số uỷ viên Bộ Chính trị sẽ được khôi phục như trước.

Tại Hội nghị Trung ương bất thường vừa qua, chỉ có Lương Tam Quang vào được Bộ Chính trị, còn Trần Lưu Quang vẫn chưa. Khả năng, Tô Lâm sẽ giới thiệu Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị ở Hội nghị Trung ương 10 tới đây. Còn phe Chính phủ, đến nay vẫn chưa có gương mặt nào sáng giá để Phạm Minh Chính có giới thiệu vào Bộ Chính trị bổ sung.

Chính phủ hiện nay chẳng khác một cái “sọt rác”, để Tô Lâm đẩy “hàng quá đát” sang đấy. Nguyễn Hòa Bình được xem như là “hàng thải” của Ban Bí thư. Bởi dù Nguyễn Hòa Bình có sang Chính phủ, thì cũng chỉ ngồi đến năm 2026 sẽ về hưu vì quá tuổi. Vả lại, Nguyễn Hòa Bình không có thế lực hùng hậu đủ mạnh, để gây nguy hiểm cho nhóm Hưng Yên.

Tô Lâm đang thực hiện việc thanh lọc nhân sự cho Ban Bí thư. Bởi chỉ khi loại hết “hàng cũ” của ông Trọng, thì ông Tô Lâm mới thật sự trở thành người cầm trịch, trong cuộc chơi trên vũ đài chính trị. Trước mắt, Ban Bí thư phải mạnh, thì mới buộc được Bộ Chính trị và Trung ương Đảng phải nghe lời được.

Chỉ cần nắm chắc chức vụ cao nhất trong Đảng, và làm chủ hoàn toàn bộ máy dưới quyền, là quá đủ, Tô Lâm không cần kiêm nhiệm 2 chức, khi mà ông chưa thực sự kiểm soát hoàn toàn Ban Bí thư.

 

Thái Hà – Thoibao.de