Vì sao, trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, không có khả năng Tổng Bí thư Tô Lâm chịu “nhả” ghế Chủ tịch nước?

Việc Quốc hội Việt Nam khóa 15 ra thông cáo tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 8, vào ngày 26/8, cho thấy sự bất ổn trong chính trường Việt Nam.

Số kỳ họp bất thường của Quốc hội đã gần như ngang bằng với số kỳ họp thường niên, mỗi năm 2 lần. Tới mức, công luận đánh giá, sự bất thường lặp đi lặp lại với tần suất dày đặc, rồi sẽ trở thành bình thường. Nhưng khi sự bất thường trở thành bình thường, lại là vấn đề đại bất thường, thì phải cẩn trọng.

Đây là hệ quả của cách thức cầm quyền của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong hơn 13 năm. Một điều vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 12/8, truyền thông quốc tế đưa tin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm sẽ thôi chức Chủ tịch nước, và bàn giao lại cho một lãnh đạo khác. Thời gian được cho là vào khoảng đầu tháng 10/2024, khi Quốc hội khóa 15 khai mạc kỳ họp thứ 8.

Giới thạo tin khẳng định, điều kể trên là theo ý kiến của đa số lãnh đạo Bộ Chính trị và Ban Bí thư, cũng như theo nguyên tắc của Đảng, đảm bảo sự “phân quyền”. Lý do là để tránh tập trung quyền lực vào một cá nhân, dẫn đến tình trạng độc đoán và độc tài, trái với tinh thần lãnh đạo tập thể của Đảng.

Theo một số đánh giá, các chủ trương của ông Tô Lâm sẽ được triển khai trên thực tế một cách nhanh chóng và khó có thể đảo ngược.

Vấn đề công luận quan tâm nhất trong những ngày này, đó là, trong kỳ họp bất thường lần thứ 8 này của Quốc hội, tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có chấp nhận “chia sẻ” quyền lực của mình hay không?

Theo nguồn tin nội bộ, đây là vấn đề của tương lai, và tại kỳ họp bất thường này, điều đó không có khả năng xảy ra, vì tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không muốn. Trong khi đó, ông Tô Lâm được cho là đã chuẩn bị triển khai một kế hoạch cải tổ sâu rộng và toàn diện, đối với hệ thống chính trị, kinh tế xã hội Việt Nam. Đây là điều không thể đảo ngược.

Những phân tích kể trên liên quan gì đến việc truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin, “Công bố quyết định và kế hoạch kiểm tra, với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương”. Theo đó, báo Dân Việt ngày 22/08 cho hay, mới đây, Đoàn kiểm tra số 1349 của Bộ Chính trị đã triển khai kiểm tra đối với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Thời gian tiến hành kiểm tra dự kiến trong 60 ngày, nhằm đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm (nếu có) của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Theo một số ý kiến, với kế hoạch kiểm tra đến 60 ngày này, dù kết quả như thế nào, thì không khác nào như án treo của tân Tổng Bí thư Tô Lâm, choàng vào cổ Tướng Lương Cường và Tướng Phan Văn Giang.

Điều đó có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp chính trị của Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, kể cả ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Đại tướng Phan Văn Giang. Phải chăng, đây là một kế hoạch, mà ông Tô Lâm và phe cánh đã giăng bẫy chờ sẵn, nhằm ngăn chặn tham vọng của Tướng Lương Cường?

Nguồn tin nội bộ của thời báo tiết lộ, việc để Đại tướng Lương Cường ngồi vào vị trí Chủ tịch nước, cũng không giải quyết được vấn đề gì. Bởi ông Cường chỉ được cái tốt mã, trình độ, năng lực chỉ huy tác chiến không có, và hầu như không nhận được sự ủng hộ của các tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội.

Thậm chí, nếu Lương Cường ngồi vào ghế Chủ tịch nước để làm “đối trọng”, thì khả năng cao, sẽ là mầm mống dẫn đến sự bất ổn trong nội bộ lãnh đạo cấp cao, và sẽ tiếp tục kéo dài.

 

Trà My – Thoibao.de