Liệu cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có quay lại chính trường để chia sẻ quyền lực?

Ngày 28/8, Blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt có bài: “Việt Nam –  Quyền lực trong tay ai? – phần 4”, bình về những biến động chính trị ở Việt Nam thời gian qua.

Tác giả nhắc lại, tháng 3/2024, ông Võ Văn Thưởng bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, thôi làm Chủ tịch nước, tháng 4/2024, tới lượt ông Vương Đình Huệ cũng bị loại.

Sáu tuần sau, bà Trương Thị Mai tiếp nối số phận của ông Thưởng, ông Huệ. Đến thời điểm đó, nhân số Bộ Chính trị chỉ còn 12/18, vì trước đó đã có 3 người khác bị loại, là Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh và Nguyễn Xuân Phúc.

Tác giả cho biết, lúc này, Bộ Chính trị chỉ còn 3 thành viên “đủ tiêu chuẩn” theo Quy định 214-QĐ/TW, để đảm nhận các vai trò trong “Tứ trụ” là các ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính và Tô Lâm.

Cũng vì vậy, sau khi bà Mai bị tước sạch mọi thứ, ông Tô Lâm mới có thể trở thành ứng viên duy nhất cho vai trò Chủ tịch nước.

Theo tác giả, ngày 19/5, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, hồn nhiên trả lời báo giới: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an, vì thế Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh này”.

Nhưng chỉ 3 ngày sau, trước phản ứng gay gắt từ nhiều giới, về việc, tại sao Chủ tịch nước còn kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an, thì “đạo diễn” đã phải điều chỉnh “kịch bản”, và ông Cường xin “bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an” vào nghị trình.

Song chuyện chưa dừng lại ở đó!

Tác giả nhắc lại, ông Trần Quốc Tỏ – Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, được phân công làm Quyền Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm, chỉ tại vị được 2 tuần.

Ngày 6/6, đột nhiên ông Lương Tam Quang – Thượng tướng, cũng là Thứ trưởng Công an, người trước nay vẫn được xem là tâm phúc của ông Tô Lâm, được Thủ tướng giới thiệu, Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an.

Hai tháng sau, ông Quang tiếp tục được “bầu bổ sung” vào Bộ Chính trị, cho dù, theo Quy định 214-QĐ/TW, ông Quang không đạt điều kiện này.

Tác giả đặt câu hỏi: Tại sao ông Quang trở thành “trường hợp đặc biệt”? Và tác giả nhận định, kịch vẫn chưa đến cao trào.

Tháng 6/2024, Thượng tướng, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc, vốn cũng được xem là tâm phúc của ông Tô Lâm, được điều động làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, và 2 tháng sau được bầu vào Ban Bí thư. Thêm một lần nữa, Quy định 214-QĐ/TW bị vô hiệu hóa.

Tác giả cũng nhắc lại sự kiện, chỉ trong 3 ngày, từ 15/8 đến 17/8, thiên hạ thấy cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện bên cạnh ông Tô Lâm 2 lần.

Lần thứ nhất là tại “Hội nghị với các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm thông tin về tình hình những tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024”, tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội.

Lần thứ hai là tại “Chương trình kỷ niệm 55 năm Công an nhân dân thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tác giả nhận xét, ở lần thứ nhất, không ai biết vì sao, khá nhiều “các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vắng mặt. Lần thứ 2, hình ảnh ông Dũng ngồi bên cạnh ông Tô Lâm, như nhân vật thứ 2 của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, đã khơi dậy nhiều đồn đoán.

Tác giả lưu ý, ngay sau đó, bắt đầu có một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để “giải oan” cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí, khẳng định ông Dũng có “nhân cách lớn”!

Tác giả nêu nghi vấn: Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam có thật sự “đoàn kết, thống nhất”? Vì lẽ gì, chỉ “đoàn kết, thống nhất” với những điều có lợi cho ông Tô Lâm?

 

Quang Minh – thoibao.de