Ngày 29/8, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận của tác giả Hạo Nhiên, với tựa đề “Dư luận viên phá hoại đất nước như thế nào?”.
Tác giả cho biết, khoảng 2 tuần qua, những người quan tâm đến thời cuộc đều tỏ ra hết sức kinh ngạc và bất bình, khi thấy có cuộc tấn công cấp tập của các “dư luận viên” vào Đại học Fulbright – một cơ sở giáo dục phi lợi nhuận do Hoa Kỳ tài trợ, nhằm đào tạo nhân tài về quản lý kinh tế công cho Việt Nam.
Tác giả phân tích, ngạc nhiên là vì giữa Việt – Mỹ đã và đang có mối quan hệ ngoại giao ngày càng tốt đẹp, thậm chí, đã nâng lên tầm quan hệ “chiến lược toàn diện”. Những kẻ tấn công làm như vậy, thì có khác gì chửi thẳng vào mặt quốc gia đã giúp đỡ mình?
Các nhóm “dư luận viên” kể trên đã thực hiện cuộc tấn công, nhằm bẻ lái dư luận một cách rất hăng hái, bằng những lời lẽ quy chụp nặng nề, vô căn cứ, đối với Đại học Fulbright, khi cho rằng, Fulbright là “lò đào tạo phản động” do Mỹ lập ra, là “ổ dạy làm cách mạng màu”.
Theo tác giả, điều kinh ngạc tiếp theo là, theo báo điện tử Chính phủ, chiều 26/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về Đại học Fulbright, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam giao nêu rõ:
“Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam, như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.”
Tác giả thắc mắc: Vậy nghĩa là thế nào? Cuộc tấn công vừa rồi vào Đại học Fulbright là do sự tự phát của một số dư luận viên “bảo hoàng hơn vua”, hay do chủ trương của Ban Tuyên giáo Trung ương?
Nếu tự phát mà trái ngược với đường lối chính thống của quốc gia, thì tại sao Ban Tuyên giáo Trung ương không ngăn cản?
Tác giả dẫn trang Wikipedia, theo đó, dư luận viên “là các cá nhân, nhóm người được Chính phủ thuê, hướng dẫn và đào tạo để thực hiện tuyên truyền, tranh luận và hướng dẫn dư luận về mặt nội dung trên mạng Internet”.
Vẫn theo tác giả, ở Việt Nam, người ta lập hàng chục trang báo mạng, đặt tên nghe rất kêu như “Nhân Văn Đất Việt”, “Nhân Quyền”… nhưng trên thực tế là để tiêu diệt nhân văn, trấn áp nhân quyền, trù dập những tiếng nói dân chủ đòi cải cách xã hội.
Tuy nhiên, sở dĩ một số trang mạng xã hội của dư luận viên vẫn tồn tại, vì nó vẫn được một số người tin theo. Đó là những kẻ thường dân ngây thơ hồn nhiên, hoặc cán bộ công nhân viên bị ru ngủ lâu ngày, bằng những lời lẽ tuyên truyền giả dối, không còn thích hợp thời đại mới.
Tác giả cho rằng, ngày nay, trong thời đại Internet, thế giới đã phẳng ra. Dân Việt có đến 90% biết sử dụng điện thoại thông minh, mọi sự thật dần dần được phơi bày đầy đủ, nên tác dụng của dư luận viên đã và đang bị suy giảm.
Tác giả nhận định, việc muốn ngăn chặn dư luận “trái chiều” sẽ không khả thi, vì một người vượt đèn đỏ thì viên cảnh sát giao thông có thể thổi còi chặn lại được, chứ đến hàng trăm người cùng vượt, thì cảnh sát cũng đành phải bó tay!
Tác giả đánh giá, qua vụ tấn công “hớ” đối với Đại học Fulbright vừa rồi, cũng như qua các tác động ngược trong việc sử dụng lực lượng dư luận viên, có lẽ, đã đến lúc, Ban Tuyên giáo Trung ương cần dẹp bỏ đội ngũ này.
Tác giả đưa ra lời khuyên, để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai gần, giới dư luận viên nên bắt đầu chuyển hướng. Thay vì tiếp tục những việc làm như cũ, phá hoại hướng tiến lớn của quốc gia dân tộc, quý vị hãy dùng “tài năng” về miệng lưỡi, kỹ năng ngôn luận của mình, đả thẳng vào bọn sâu dân mọt nước.
Quang Minh – thoibao.de