Phan Văn Giang lại “chơi” Tô Lâm. Quân đội đang “bất tuân” Tô Tổng?

Ngày 30/8, ông Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đi thăm Philippines, và có cuộc gặp với Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr, và hội đàm cùng Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro.

Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và ông Phan Văn Giang có bàn về vấn đề duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không, trên Biển Đông. Hai bên tái khẳng định lập trường giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực.

Được biết, Chính quyền của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr có chủ trương cứng rắn với Trung Quốc. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, tàu Trung Quốc đã đâm tàu Philippines trên Biển Đông. Việt Nam và Philippines đều là nạn nhân của Bắc Kinh. Chuyến thăm của ông Phan Văn Giang vào lúc này, chẳng khác nào cố ý làm khó Tô Lâm.

Vừa lên nắm chức Tổng Bí thư, thì Tô Lâm đã nhanh nhảu sang Bắc Kinh “triều kiến”. Nhưng chuyến thăm này lại bị cho là không được như ý đối với ông. Bởi sau khi trở về, ông Tô Lâm đã phải chấp nhận nhả chức Chủ tịch nước, để chia sẻ quyền lực. Rất có thể, điều này là do Tập Cận Bình muốn “nắn gân” “chư hầu”.

Từ ngày 7 đến ngày 9/9 tới, ông Phan Văn Giang lại có chuyến thăm Mỹ. Như vậy, cả 2 chuyến thăm của ông Giang vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, đều là những chuyến thăm nhạy cảm.

Trung Quốc rất sợ Việt Nam và Philippines đồng lòng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với họ, và họ cũng sợ Việt Nam đặt mua vũ khí Mỹ. Với sự thể hiện của vũ khí Mỹ trên chiến trường Ukraine, Putin đã phải nhận một bài học cay đắng. Nếu Việt Nam có thể sở hữu vũ khí Mỹ, thì hoàn toàn có thể hiên ngang trước Trung Quốc, mà không cần phải “đi nhẹ nói khẽ” nữa.

Rất khó để ông Phan Văn Giang có thể tiến xa hơn trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Philippines. Đây có lẽ chỉ là một nước cờ của ông. Với việc nếu người đứng đầu Bộ Quốc phòng “tự ý” đi thăm những nơi là Bắc Kinh không thích, thì ít nhất cho thấy, Tô Lâm không thể “chăn dắt” được thế lực quân đội. Như vậy, liệu Tô Lâm có phải là người “được việc” đối với Tập Cận Bình hay không?

Mâm quyền lực vốn không tăng lên, nhưng nay các phe phái lại ngày một nhiều, chính vì thế, tính cạnh tranh sẽ cao hơn. Nếu nói, trước đây, việc phân chia quyền lực được thống nhất và cơ cấu trước, thì nay, luật chơi đã thay đổi. Ngày nay, cứ mạnh thắng yếu thua, chứ chẳng còn sự sắp đặt nào nữa. Cú ngã ngựa của ông Vương Đình Huệ là dấu hiệu cho sự cáo chung của luật chơi sắp đặt sẵn. Thời của Tô Lâm sẽ là thời của sự tranh thủ và tranh giành.

Đáng lẽ, phe quân đội có thể giành được miếng bánh lớn trên mâm quyền lực, nhưng cuối cùng lại để cho phe công an giành hết. Đáng nói là, bên quân đội có đến 2 đại tướng, nhưng lại thua 1 Đại tướng Công an. Nguyên nhân được cho là phe quân đội không “đoàn kết”. Nay, Tô Lâm đã giữ vị trí Bí thư Quân ủy Trung ương, nếu không tận dụng cơ hội lần này, thì về sau, phe quân đội càng khó gây thanh thế.

Tô Lâm chỉ mới lên Tổng Bí thư, ông cần thời gian để sắp xếp lại Ban Bí thư, và cũng cần thời gian để có thể nâng đỡ những người Hưng Yên trong quân đội, lên nắm những vị trí quan trọng. Ông Tô Lâm còn đang rất “ngổn ngang công việc”, nên chưa thể tập trung sức mạnh để khống chế phe quân đội. Đây là thời điểm tốt, và có lẽ là cơ hội cuối cùng, để phe quân đội lấy lại tiếng nói vốn có trước Tô Lâm.

Với những dấu hiệu kể trên cho thấy, phe quân đội đang muốn lẻ đàn đối với đường lối ngoại giao của Tô Lâm. Liệu Tướng Giang và Tướng Cường có làm nên chuyện? Thời gian sẽ trả lời.

 

Trần Chương – Thoibao.de