Trò “trấn lột” đáng sợ của Tô Lâm nhắm vào Bảy Phúc?

Trước khi đi Trung Quốc, phe Tô Lâm bắn tin rằng, Nguyễn Xuân Phúc – cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch nước, đang bị điều tra. Nếu Tô Lâm cho thực hiện vụ bắt bớ này, thì đây sẽ là một vụ án chấn động cả nước. Bởi trước đó, Tứ trụ về hưu luôn là “vùng cấm”, bất khả xâm phạm.

Tuy ông Phúc đã không còn quyền lực, nhưng chắc chắn, tiền tham nhũng ông không ăn một mình. Đặc biệt, ông Trương Hòa Bình – Phó Thủ tướng Thường trực dưới thời ông Phúc làm Thủ tướng, không thể không liên quan đến những sai phạm của cấp trên. Trong chế độ này, khi phải ký những văn bản có nguy cơ dính đến sai phạm, thì cấp trưởng thường hay đẩy cho cấp phó, buộc họ phải ký.

Nếu bứt “dây” Nguyễn Xuân Phúc, thì sẽ động đến cả khu rừng. Lúc đó, không những ông Trương Hòa Bình, mà có thể cả ông Trương Tấn Sang cũng nhảy vào gỡ rối. Trong khi đó, ông Trương Tấn Sang rất có ảnh hưởng đến nhóm Hà Tĩnh. Vì thế, có ý kiến đánh giá, rất có thể, ông Tô Lâm chưa đủ tự tin để bứt dây động rừng, trong bối cảnh hiện nay.

Mới đây, một nguồn tin nội bộ cung cấp cho thoibao.de biết rằng, Tô Lâm đã thỏa thuận được với Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, ông Phúc buộc phải nhả một phần tài sản tích cóp được sau bao nhiêu năm, và sẽ được tha. Như vậy, ông Phúc hài lòng với phần tài sản còn lại, còn Tô Lâm thì “trấn lột” được một phần kha khá từ ông cựu Chủ tịch nước này. Tô Lâm không cần phải bứt dây động rừng, có thể gây ra hậu quả khó lường.

Nếu đây là sự thật, thì có thể nói, những kẻ cấp cao trong nội bộ Đảng, đang “ăn thịt” lẫn nhau. Kẻ đang cầm quyền tìm cách trấn lột kẻ đã thất thế. Khi còn nắm giữ quyền cao chức trọng, quan chức không chỉ trấn lột người dân, bòn rút tài nguyên đất nước để làm giàu, mà họ còn trấn lột cả “đồng chí của họ”.

Những vụ trấn lột lẫn nhau như thế này, không phải đến đời Tô Lâm cầm quyền mới có, mà đã có từ lâu. Thời ông Nguyễn Phú Trọng, trò bẩn này đã được thực hiện nhân danh “công lý”. Vụ chuyến bay giải cứu và vụ Việt Á, được xác định đã gây thiệt hại 4.000 tỷ đồng mỗi vụ. Tuy nhiên, khi ra tòa, các bị cáo chỉ phải bồi thường con số rất nhỏ, chứ không bị truy thu hết 4.000 tỷ đồng. Người dân – những nạn nhân của họ, thì không hề nhận được đồng nào tiền bồi thường.

Nguyên nhân sâu xa của điều này là gì?

Theo nguồn tin nội bộ của thoibao.de đánh giá, đằng sau vở kịch “công lý” này, là cái chợ buôn bán công lý. Để có thể thoát những bản án tù, hoặc muốn giảm mức án xuống thấp hơn, các đương sự phải nhả lại một phần lợi ích mà họ đã được hưởng, cho những kẻ cầm cân nảy mực. Và như thế, tất cả đều có lợi.

Nếu Tô Lâm thực hiện trò trấn lột như thế với Nguyễn Xuân Phúc, để ông Phúc được an toàn, thì cũng không phải việc mới lạ. Cái mới ở đây chỉ là, Tô Lâm dám thực hiện điều đó với một Tứ trụ đã về hưu mà thôi. Mà với Tứ trụ về hưu, thì cũng chỉ có Tô Lâm mới dám làm như vậy.

Các Tứ trụ về hưu thường rất giàu có, bởi chuyện tham nhũng triệu đô đối với họ cũng chỉ là “tham nhũng vặt”. Sau bao năm ngồi trên đỉnh quyền lực, để vơ vét, thì tài sản của họ không thể nào tưởng tượng nổi. Mỗi người trong giới Tứ trụ đều rất hiểu điều đó.

Khi trấn lột của dân, thì cần những chính sách tinh vi và phải thực hiện trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trấn lột các “đồng chí” thì chỉ cần một lời đe dọa, và các bên ngồi lại để ngã giá. Lúc đó, kẻ thất thế chỉ biết gật đầu cam chịu.

Một khi đã trấn lột được một Tứ trụ, thì có lẽ, những Tứ trụ về hưu khác cũng phải biết điều, chấp nhận luật chơi. Như vậy, nguồn thu của Tô Lâm và cánh hẩu không chỉ là 100 triệu dân, mà còn là những cựu quan chức vẫn còn sống.

 

Thái Hà – Thoibao.de