Những lùm xùm xung quanh chuyện cáo buộc Đại học Fulbright đang chuẩn bị cho “kế hoạch cách mạng màu”, là câu chuyện không hề đơn giản. Đây không chỉ là sự phản ứng bình thường của lực lượng dư luận viên – AK47, vốn có lâu nay.
Giới phân tích đánh giá, sự ra đi “bất ngờ” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chỉ trong vòng 73 ngày, tính từ khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước không mấy quyền lực, ông Tô Lâm đã dễ dàng đoạt được chiếc ghế Tổng Bí thư, cho thời gian còn lại của Đại hội khóa 13.
Hiện nay, ông Tô Lâm đang hướng tới chiếc ghế Tổng Bí thư của Đại hội 14. Với vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông ôm tham vọng, sẽ kiểm soát toàn bộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như Quốc hội, trong lòng bàn tay.
Trước khi cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thực hiện kế hoạch “đảo chính không tiếng súng” thành công, theo giới quan sát quốc tế, ông ở vị thế tín nhiệm trong Đảng “rất thấp”. Thậm chí, ông bị số đông các lãnh đạo cấp cao đánh giá là không đủ tư cách, đạo đức và phẩm chất, để trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên đường tiến tới giành lấy quyền lực cao nhất, ông Tô Lâm đã thẳng tay loại bỏ những vị trí lãnh đạo cấp cao, kể cả thành viên nhóm “Tứ trụ”. Đó là những ứng viên sáng giá cho ghế Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 14, và là những người thân cận với ông Trọng, như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai.
Trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân vật rất thân với Bắc Kinh, và được ông Tập Cận Bình hết lòng ủng hộ. Ông Trọng được mệnh danh là “thái thú” của Trung Quốc, ngồi tại Việt Nam.
Vậy mà, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm chẳng thèm “vuốt mặt, nể mũi”, đã “tiễn” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ứng viên số 1 cho ghế Tổng Bí thư được Tổng Trọng lựa chọn, về quê làm người tử tế, chỉ sau chưa đầy 2 tuần, khi ông Huệ yết kiến họ Tập, vào tháng 4/2024.
Theo một số ý kiến, đây được cho là lý do khiến Trung Nam Hải giật dây cho đám tay chân của ông Trọng, còn rất đông trong Đảng, tìm cách quật ngã Tổng Bí thư Tô Lâm. Thái độ của ông Tập Cận Bình khi đón tiếp ông Tô Lâm, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, đã cho thấy, ông Tô Lâm rất có thể phải đối mặt với những “tai họa” không nhỏ.
Mới nhất, liên quan đến sự kiện Đại học Fulbright, truyền thông quốc tế đưa ra khẳng định, đây là việc đấu đá, tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng, thời kỳ “hậu” Nguyễn Phú Trọng.
Theo một số nhận định, việc kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang, có một phóng sự với nhan đề “Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục”, được cho là đã phản ánh quan điểm chính thức của giới lãnh đạo Quân đội Việt Nam.
Việc gỡ video vừa kể, được cho là phép thử, cũng như thăm dò phản ứng dư luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, liên quan đến quan điểm đối ngoại của ông Tô Lâm. Việc thăm dò này có thể nhằm giúp phe quân đội khẳng định quan điểm: Trung tâm quyền lực phải thuộc về quân đội, chứ không phải do công an kiểm soát và thao túng như hiện nay.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ rời ghế Chủ tịch nước, để nhường lại cho phe quân đội, là một bằng chứng về sự bất phục của phe quân đội, không thể chối bỏ.
Không phải vô cớ mà có những đánh giá cho rằng, ông Tô Lâm sẽ làm Tổng Bí thư trong thời gian 16 tháng còn lại của khóa 13 là điều chắc chắn, nhưng có làm được Tổng Bí thư của Đại hội 14 hay không, lại là điều chưa chắc chắn.
Trà My – Thoibao.de