Vì sao tấn công Đại học Fulbright là phép thử của quân đội với Tổng Bí thư Tô Lâm?

Liên quan đến chính sách đối ngoại của Ban lãnh đạo Việt Nam, theo giới quan sát, trong thời gian gần đây, mối quan hệ Việt – Mỹ có nhiều biểu hiện được thắt chặt, với các hoạt động tăng cường hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm được đánh giá là một nhân vật thực dụng, ít quan tâm đến chủ thuyết Cộng sản. Đây là lý do khiến Bắc Kinh không tin tưởng ông.

Đó cũng là một số ý kiến cho rằng, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm bị một bộ phận lãnh đạo không nhỏ trong Đảng cáo buộc, đã có nhiều biểu hiện ngả về Mỹ, và rời xa Trung Quốc.

Câu chuyện “lùm xùm” ở Đại học Fulbright là một trong những bằng chứng cho thấy điều vừa kể.

Trường Fulbright là Đại học Mỹ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, chuyên đào tạo ngành chính sách công và lãnh đạo học, với sự đồng thuận và ủng hộ của chính phủ cả 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Đại học Fulbright đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, và là một trường Đại học của Việt Nam, không phải là chi nhánh của nước ngoài. Trường Đại học này được đánh giá là biểu tượng của mối quan hệ Việt – Mỹ.

Trong tháng 9/2024, theo kế hoạch, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có chuyến công du tới Mỹ, để tham dự Kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Khả năng cao, ông Tô Lâm sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Cũng có tin, Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng sẽ đi thăm Mỹ, từ ngày 7 đến 9/9. Tướng Giang sẽ có cuộc gặp với ông Lloyd Austin – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Có thông tin cho rằng, ông Giang có thể sẽ ký một thỏa thuận mua thiết bị quân sự từ Mỹ.

Đó là một trong những lý do khiến sự kiện tấn công Đại học Fulbright trên mạng lại nóng lên, trong thời gian vừa qua. Được biết, các trang mạng của dư luận viên, bắt đầu lấy lý do từ lễ tốt nghiệp năm nay của Đại học Fulbright, khi các sinh viên trường này đã trưng khẩu hiệu “Thế hệ sinh viên Fearless” – tức không biết sợ hãi.

Lập tức, một làn sóng nhất loạt tấn công đả phá Đại học Fulbright, theo chỉ đạo. Trên các mạng xã hội, lực lượng dư luận viên đưa ra nhiều bình luận sai trái, chụp mũ, và cáo buộc Đại học Fulbright Việt Nam đào tạo nhân sự để làm “cách mạng màu”.

Nghiêm trọng hơn, đứng sau sự kiện vừa kể là Đơn vị Tác chiến Điện tử, thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương. Và đặc biệt là sự nhiệt tình là“thái quá” của Kênh Truyền hình Quốc phòng. Theo đó, ngày 21/8, kênh này đã đăng một video phóng sự, với nhan đề “Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục”, để công kích Đại học Fulbright.

Tuy nhiên, sau đó thì video trên Kênh Truyền hình này đã gỡ bỏ, cũng theo chỉ đạo từ cấp trên. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Việt nam đã ra tuyên bố phản bác, và khẳng định rằng, Đại học Fulbright là biểu tượng của mối quan hệ Việt – Mỹ. Điều đó cho thấy, có lẽ đó là sự thắng thế của phe thân Mỹ trong Đảng, trong giai đoạn hiện nay.

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao lại có chiến dịch tấn công ác ý nhằm vào Đại học Fulbright vào thời điểm này?

Giới phân tích đưa ra các lý giải, cho rằng, những biểu hiện được cho là thân thiết với phía Mỹ của Tô Lâm đã khiến Bắc Kinh rất không hài lòng. Việc tấn công vào Đại học Fulbright được coi là hành động tấn công trực tiếp vào mối quan hệ Việt – Mỹ.

Khả năng thế lực thân Trung Quốc đã được Trung Nam Hải “bật đèn xanh”, lợi dụng Ban Tuyên giáo Trung ương, do Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đứng đầu, để ngăn cản mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Đồng thời, đây có thể là một phép thử của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhằm “thăm dò” phản ứng của các bên, về quan hệ Việt – Mỹ, để lãnh đạo Việt Nam đi đến các quyết định cuối cùng.

 

Trà My – Thoibao.de