Vụ nam sinh Đường lên đỉnh Olympia: Ai đã chỉ đạo chữa lửa bằng xăng?

Nhắc đến cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, người Việt thường nghĩ tới câu hỏi, vì sao, các nhà vô địch Olympia ít trở về nước làm việc? Được biết, cho đến nay, chỉ có 3 nhà vô địch trở về Việt Nam làm việc, sau thời gian du học tại Úc.

Chuyện thí sinh Chu Ngọc Quang Vinh, 17 tuổi, người đã giành được giải nhất vòng thi tháng của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, vừa bị công an mời làm việc, vì đã đưa ra các nhận xét xấu về Đảng trên trang Facebook cá nhân, đã gây bão trên mạng xã hội trong dịp Quốc khánh 2/9.

Truyền thông nhà nước ngày 2/9 đồng loạt đưa tin, thí sinh Chu Ngọc Quang Vinh, lớp chuyên Anh, trường chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái, đã gây phẫn nộ đối với cộng đồng, vì vô ơn với đất nước, chỉ mơ mộng hão huyền nơi “xứ người”.

Qua tìm hiểu, Facebooker Quang Vinh đã viết một status trên trang Facebook cá nhân, với nội dung:

“Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hoá phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân, nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài.”

“Và giờ tôi lại muốn rời Việt Nam. Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa, dù tôi đã từng cố để ít nhất là “kệ” Đảng. Người dân ở đất nước tôi sinh ra chọn status quo (giữ nguyên hiện trạng), nên thôi, mình không ủng hộ thì mình đi.”

Ngay sau khi status này được đăng lên, Sở Giáo dục tỉnh Yên Bái phối hợp với Công an tỉnh Yên Bái đã vào cuộc. Đồng thời, truyền thông nhà nước cũng tấn công em học sinh này, coi đây là hành vi chưa phù hợp, hành động thiếu suy nghĩ của Chu Ngọc Quang Vinh, với cáo buộc “gây phẫn nộ đối với cộng đồng mạng vì vô ơn với đất nước”.

Các hình ảnh và bài viết trên báo chí, truyền thông nhà nước, cho thấy, Công an tỉnh Yên Bái đã làm việc với nam sinh này vào chiều 2/9. Sau đó, nam sinh đã viết một status mới, theo đúng quy trình:

“Xin lỗi về những phát ngôn bừa bãi và nông cạn của mình, và xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về những phát ngôn này.”

Trên mạng xã hội, ngoài một số đông lực lượng dư luận viên “phẫn nộ”, theo tinh thần Hồng vệ binh, công kích nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh, khi cho rằng “có tài mà không có đức là vô dụng, là kẻ vô ơn”.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến ủng hộ em, và cho rằng, Vinh đã nói thật về ước mơ của mình, và em khá dũng cảm khi dám nói ra những suy nghĩ cá nhân. Đây là điều cần được khuyến khích.

Những điều nam sinh Vinh nghĩ và viết, là dấu hiệu cho thấy, đây là một người tài có hoài bão lớn. Nếu được định hướng tốt, được hưởng nền giáo dục tốt, thì sẽ trở thành một tài năng lãnh đạo tương lai. Điều nam sinh Vinh biểu đạt, đã phản ảnh chính xác thực trạng của xã hội Việt Nam hiện nay. Đây là quyền tự do biểu đạt của mỗi cá nhân, thuộc quyền tự do ngôn luận, đã được Hiến pháp Việt Nam hiến định.

Ứng xử của các cơ quan quản lý tỉnh Yên Bái là khá thô bạo, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, đối với người chưa trưởng thành (dưới 18 tuổi). Trong trường hợp này, lẽ ra, chính quyền nên cho phép nam sinh Vinh được tranh luận với các chuyên gia giáo dục, để làm rõ vấn đề đúng – sai. Không cần thiết phải đưa công an vào cuộc.

Công luận thấy rằng, bỏ qua sự đúng – sai trong status của nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh, việc Sở Giáo dục và Công an tỉnh Yên bái khẩn trương vào cuộc, vô tình như đổ thêm dầu vào lửa, và đã tiếp sức cho sự loan truyền thông tin bất lợi cho Đảng và Nhà nước.

Theo nhà báo Tâm Chánh, cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị:

“Có ra gì một chế độ xã hội cảm thấy đắc thắng, khi người lớn dùng công quyền để truy bức một thiếu niên, vì quy cho nó vô ơn?”

Xin đừng quên, trong một xã hội văn minh, nơi nhân phẩm của con người được coi trọng, luôn đề cao câu danh ngôn: “Tôi có thể không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói của bạn”.

Đó là tinh thần của một xã hội phát triển.

 

Trà My – Thoibao.de