Điều dễ nhận biết nhất về chính sách của ông Tô Lâm, là ông vẫn giữ nguyên “cái lò” nổi tiếng của người tiền nhiệm. Có thể, nhân sự do ông Nguyễn Phú Trọng đưa lên, sẽ bị loại bỏ dần, bằng nhiều cách khác nhau, trong đó đặc biệt là cách dùng “cái lò chống tham nhũng”.
Dưới thời ông Trọng, “lò” vừa là công cụ để mị dân, vừa là công cụ để thanh lọc thành phần chính trị không cùng phe cánh. Tương tự, “lò” dưới thời Tô Lâm cũng dùng để mị dân, đồng thời, vẫn là công cụ để “làm cỏ” các thế lực khác, tạo điều kiện cho thế lực Hưng Yên lớn mạnh. Tuy nhiên, đối với ông Tô Lâm, “lò” lại có thêm công dụng nữa, đấy là tạo ra một “chuồng gà” để nhốt những con gà “gãy cánh”, nhằm mần “thịt” chúng đằng sau hậu trường như trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc.
Làm kinh tế bằng quyền lực không phải là chuyện xa lạ ở Việt Nam. Đặc biệt làm các chính sách để sân sau hưởng lợi, cách làm này dễ bị dư luận phát giác, và tố lên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc “nhốt gà” để thịt này, nếu không có các nguồn tin nội bộ cung cấp, thì không ai biết được sự thật đằng sau.
Với việc dùng hồ sơ đen, đặt lên bàn để uy hiếp, nhằm “trấn lột” lại phần nào tài sản mà ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “trấn lột” trước đó, cho thấy công năng mới của “cái lò” dưới tay ông Tô Lâm. “Lò” đốt càng nhiều, cháy càng mạnh, thì rõ ràng, dưới tay Tô Lâm có cả một rừng nạn nhân. Những người chưa bị truy tố hình sự, sẵn sàng hy sinh một phần tài sản kiếm được trong đời làm chính trị của mình, để được yên thân. Đây là cách làm khác của Tô Lâm, so với ông Nguyễn Phú Trọng.
Hiện nay, ông Tô Lâm mới chỉ lên ghế Tổng Bí thư trong một thời gian ngắn. Vẫn cần rất nhiều thời gian để Tô Lâm củng cố sức mạnh cho phe cánh của mình. Hơn ai hết, ông cần phải đẩy “công suất” của “cái lò” lên cao hơn nữa, để dọn dần những thành phần mà ông Phú Trọng để lại. Thời gian đến Đại hội 14 đang ngày càng ngắn, tất cả các phe phái đều phải chạy đua, và ông Tô Lâm cũng thế. Có thể, trong thời gian tới, Trung ương Đảng và Quốc hội sẽ có thêm nhiều kỳ họp bất thường nữa, để sắp xếp lại trật tự giữa các phe.
Nhiệm kỳ 2021 – 2026 là nhiệm kỳ mà Trung ương Đảng và Bộ Chính trị gặp nhiều sóng gió nhất, so với các nhiệm kỳ trước đây. Riêng năm 2024, là năm có nhiều “Tứ trụ” bị gãy nhất. Năm 2024 cũng là năm đánh dấu quá trình chuyển giao quyền lực. Bắt đầu từ việc ông Trọng mất kiểm soát với “cái lò”, sau đó là đến cái chết của ông, rồi đến thời kỳ Tô Lâm lên ngôi. Mà thời của Tô Lâm chính là thời của sóng gió chính trường.
Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương thị Mai, liên tục bị rụng chỉ trong một thời gian ngắn, là do bàn tay của Tô Lâm gây ra. Giờ đây, chính Tô Lâm đã ngồi vào vị trí của ông Trọng, và là “người chủ lò” mới. Thời gian tới, có thể, “lò” sẽ cháy còn mạnh hơn thời ông Trọng. Ông Tô Lâm phải “đốt lò”, để dọn đường cho phe Hưng Yên phát triển.
Có vẻ như, dưới thời Tô Lâm, Đảng không còn được thống nhất như dưới thời ông Trọng. Phe quân đội được cho là đang muốn tách ra khỏi quỹ đạo của Tô Lâm, đặc biệt là về đường lối ngoại giao. Một số đồn đoán cho rằng, hiện nay quân đội có thể đang có hướng đi khác Tô Lâm rất xa. Nếu đúng, thì đây là một mối nguy cho Tô Lâm.
Từ “đốt lò” đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí nhiều năm qua, cả báo chí tự do lẫn báo chí nhà nước. Trong đó, cũng có không ít lời khen ngợi từ phía báo chí tự do, tuy nhiên, lò thì cháy mà tham nhũng thì không giảm. Đến lúc này, lò càng cháy thì chỉ càng chứng tỏ sự bất ổn ở thượng tầng chính trị.
Thực chất, bất ổn ở cung đình cũng chỉ quanh quẩn ở vấn đề tham nhũng. Tham nhũng càng nhiều, thì Tô Lâm càng có nhiều dữ liệu để giữ cho lò luôn cháy mạnh. Chẳng phải vì sự trong sạch của Đảng, mà chỉ vì quyền lợi cá nhân và phe cánh, ông Nguyễn Phú Trọng cũng thế, mà Tô Lâm cũng vậy.
Trần Chương – Thoibao.de