Đấu tố trên mạng tái hiện thảm kịch “Cải cách ruộng đất”

Ngày 6/9, VOA Tiếng Việt có bài: “Học sinh, nghệ sĩ phải xin lỗi: Họ bị “đấu tố” như thời cải cách ruộng đất”.

Theo VOA, sau khi nhiều ca sĩ ở Việt Nam đồng loạt đưa ra lời xin lỗi, vì đã trình diễn trên những sân khấu được cho là không phù hợp, một nam sinh từng tham gia cuộc thi “Đường Lên Đỉnh Olympia” cũng phải đưa ra lời xin lỗi, sau khi chỉ trích Đảng.

VOA cho biết, nhiều người Việt từ trong và ngoài nước, nói rằng, những nghệ sĩ và nam sinh này, như bị đưa vào một hình thức “đấu tố” mới của chính quyền.

VOA dẫn nhận xét của ông Võ Ngọc Ánh, từ Hoa Kỳ, cho rằng:

“Không phải ngẫu nhiên mà họ đưa ra lời xin lỗi. Có thể, có một chiến dịch nào đó để đấu tố, hay để lên án những nghệ sỹ này…, vì họ đã biểu diễn ở nước ngoài với lá cờ vàng.”

Theo ông Ánh, chính quyền đã tạo ra một dư luận rộng lớn trên mạng, để “rung cây dọa khỉ”,“làm cho các nghệ sỹ khác cảm thấy sợ”.

Ông nhận định:

“Chắc chắn, trước một áp lực lớn của chính quyền, các nghệ sỹ mới phải làm việc xin lỗi đó, vì họ làm việc xin lỗi đó, họ mất rất nhiều thứ: họ mất người hâm mộ hải ngoại, họ mất đi dũng khí trước khán giả của họ.”

“Dư luận viên đã kích lên, rồi một bộ phận dân chúng không hiểu đã “lên đồng”, cùng tạo nên một cuộc đấu tố, một xã hội đấu tố, mà chúng ta đã gặp trong Cải cách Ruộng đất từ năm 1953 đến 1956, hay phong trào Nhân văn Giai phẩm cuối những năm 1950 đầu những năm 1960 của thế kỷ trước.”

VOA cũng cho hay, bài viết của Chu Ngọc Quang Vinh bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội, trong đó có những lời mạt sát, như “vô ơn” hay “phản bội đất nước”. Nam sinh này sau đó đã gỡ bài khỏi trang cá nhân, và công khai nhận mình “đã sai”, cũng như “hối hận”“mong nhận được sự tha thứ”.

VOA dẫn lời nhà báo Hà Hùng, từ Đức, cho rằng, đây là “cuộc đấu tố có cường độ lớn nhất, từ sau Cải cách Ruộng đất”. Dư luận viên của Chính phủ “reo rắc sự nghi kỵ… đánh tráo khái niệm yêu nước thì phải yêu Đảng”, tương tự như trong Cải cách Ruộng đất, khi “chính quyền cưỡng bức người dân đấu tố chính cha mẹ anh chị em mình”.

VOA dẫn nhận xét của kỹ sư Nguyễn Đại Ngữ, từ Hoa Kỳ, nói trong một buổi hội luận rằng, đây là “hình thức đấu tố mới của thế kỷ 21”. Ông Ngữ cho rằng, việc xin lỗi công khai được nhà nước sử dụng một cách triệt để, đối với những người có quan điểm đối lập với Đảng và nhà nước.

Ông Ngữ đặt câu hỏi về tự do ngôn luận, đặc biệt cho giới trẻ, rằng, liệu nhà nước và Đảng có thực sự đang tôn trọng Hiến pháp mà họ ban hành hay không, khi mà Điều 25 của Hiến pháp cho phép tự do ngôn luận.

VOA nhấn mạnh, Việt Nam luôn nói rằng, người dân có tự do ngôn luận, dù nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã chỉ trích rằng, Đảng Cộng sản cầm quyền đang tìm cách bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng.

VOA dẫn ý kiến của ông Sơn – một thường dân phản biện xã hội trên mạng, cho rằng:

“Một xã hội dân chủ thì người dân phải được quyền tự do ngôn luận, kể cả ngôn luận đó là chỉ trích đảng cầm quyền hay Chính phủ.”

Học sinh phải có quyền bày tỏ suy nghĩ, chính kiến, và chúng ta cần lắng nghe tôn trọng ý kiến đó, thay vì đàn áp, dọa nạt. Nghệ sĩ có quyền biểu diễn ở mọi sân khấu trong và ngoài nước, miễn sao nó phù hợp với thuần phong mỹ tục và luật pháp hiện hành.”

“Khi tư tưởng bị nhốt chặt vào trong cái lồng chính trị, sẽ không thể có ý tưởng đột phá và không tạo ra sự thay đổi, cải cách” – ông Sơn nói thêm.

 

Minh Vũ – thoibao.de