Lúc dầu sôi lửa bỏng, “nhà” Tướng Phan Văn Giang lại bị đánh phá từ trong!

Chuyến đi Mỹ của Bộ trưởng Phan Văn Giang rất được dư luận quan tâm, bởi chuyến đi này gieo cho người dân một hy vọng lớn, hy vọng chính quyền Cộng sản xích lại gần Mỹ hơn, và tránh xa sự kìm kẹp của Bắc Kinh.

Theo chiều dài lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ tự xem là “bạn” của Việt Nam. Họ xem họ là thiên triều, và Việt Nam là “chư hầu” của họ. Có những triều đại Việt Nam dám đánh luôn thiên triều, để bảo vệ độc lập. Nhưng cũng có triều đại chỉ giả vờ thuận theo, thực sự vẫn giữ được độc lập, chứ không bị Tàu sai khiến.

Thời Cộng sản, cũng có lúc, Đảng Cộng sản Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc, đấy là cuộc chiến ngắn ngày nhưng rất đẫm máu, vào năm 1979. Nhưng sau khi ông Lê Duẩn mất, bộ tam Nguyễn Văn Linh – Đỗ Mười – Phạm Văn Đồng, lại đưa Việt Nam vào thòng lọng của Tàu. Từ đó cho đến nay, dù Đảng Cộng sản Việt Nam có bắt tay với Mỹ, nhưng cũng chỉ trong khuôn khổ mà Bắc Kinh cho phép.

Việc ông Phan Văn Giang đi Mỹ là thuốc thử, cho sự “dũng cảm” của một bộ phận lãnh đạo trong Đảng. Người dân kỳ vọng ông Giang tránh Tàu theo Mỹ. Tuy nhiên, thành phần thân Tàu trong quân đội lại lo sợ về hành động của Tô Lâm.

Ông Giang vừa đi Mỹ về, thì báo Quân đội Nhân dân lại có một bài viết khơi dậy cái gọi là “cách mạng màu”, dưới một tiêu đề khác, bài báo có tựa đề “Nhận diện âm mưu, Thủ đoạn chiến tranh tâm lý thời kỳ mới”. Thực chất cái gọi là “chiến tranh tâm lý”, chính là “cách mạng màu”, như cách mà phe thân Tàu đánh phá Đại học Fulbright Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Tờ Quân đội Nhân dân là một cơ quan ngôn luận của Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng. Có thể hiểu, xu hướng của phe này là không hài lòng với những việc mà ông Phan Văn Giang vừa thực hiện, mặc dù, ông Giang đi Mỹ cũng không có bước đột phá nào rõ rệt, chẳng có những kết nối lớn, như chính quyền của các quốc gia thân Mỹ ở Đông Á, như Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Ông Giang vẫn giữ khoảng cách với Mỹ, chứ chẳng gần Mỹ như người dân kỳ vọng.

Hiện nay, trong Bộ Chính trị có vị 2 tướng xuất thân từ Tổng cục Chính trị, đó là Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa và Đại tướng Lương Cường. Đến Hội nghị Trung ương 10, khả năng cao, ông Lương Cường sẽ là Chủ tịch nước. Nếu ông Cường muốn “thọc” gậy vào bánh xe của ông Giang, như hành động vừa qua của báo Quân đội Nhân dân, thì có thể nói, phe quân đội đang rất mất đoàn kết. Rất khó để có sự liên kết giữa Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong thời gian tới, để cân bằng quyền lực với phe Tô Lâm.

Việc báo Quân đội Nhân dân lại viết một bài về “cách mạng màu”, sau khi ông Giang đi Mỹ trở về, là nước cờ thiếu khôn ngoan của phe Tổng cục Chính trị. Nếu ông Lương Cường ngồi ghế Chủ tịch nước mà không bắt tay với ông Phan Văn Giang, thì ông Cường chẳng khác nào “con mồi” trong tay Tô Lâm. Tổng Bí thư muốn “thịt” bất cứ lúc nào cũng được. Trường hợp Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng chính là ví dụ.

Nội bộ Bộ Quốc phòng thường xuyên chia rẽ, chính vì sự chia rẽ đó mà ông Tô Lâm mới chớp được thời cơ, nhảy lên ghế Tổng Bí thư và làm sếp của cả Bộ Quốc phòng về mặt Đảng.

Giờ đây, để phá thế chẻ tre của Tô Lâm, thì quân đội cần đoàn kết. Nhưng ngược lại, đến giờ phút này, họ vẫn còn đang đấu lẫn nhau, thì làm sao giải quyết được bài toán Tô Lâm?

Bộ Quốc phòng được xem là “nhà” của Tướng Phan Văn Giang. Ngay trong nhà, anh em lại ra mặt choảng nhau, thì hóa giải sức mạnh của Tô Lâm thế nào được? Rất khó thực hiện, nếu Bộ Quốc phòng vẫn mạnh ai nấy lo như thế.

Thoibao.de