Ngày 24/9, VOA Tiếng Việt đăng bài bình luận của tác giả Đinh Hoàng Thắng, với tựa đề “Ngã rẽ quyền lực của Tô Lâm sẽ theo hướng nào?”
Tác giả cho hay, một lần nữa, giới quan sát và các nhà phân tích lại “soi” kỹ lưỡng Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm.
Hội nghị Trung ương 10, từ ngày 18 đến 20/9, đã đưa ra nhiều quyết định then chốt cho tương lai của Đảng và nhà nước, trong đó, vai trò và định hướng quyền lực của ông Tô Lâm, đang là một trong những điểm mấu chốt.
Tác giả đề cập đến phát biểu bế mạc Hội nghị của ông Tô Lâm, nói rằng, Trung ương đã thống nhất, xác định 4 nhóm vấn đề lớn, để tiếp tục hoàn thiện Văn kiện Đại hội 14. Ông Tô Lâm đã đảo ngược “phương thức lãnh đạo” xưa nay, đặt người dân lên vị trí hàng đầu: “Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo”.
Tác giả đặt vấn đề, nếu người dân có điều kiện để kiểm chứng được sự đảo ngược trật tự này trên thực tế, thì rõ ràng, ông Tô Lâm đã có bước chuyển nhất định trong phương thức lãnh đạo. Đảng sẽ không bao biện làm thay chính quyền, và người dân sẽ đứng ở vị trí trung tâm?
Tác giả cũng đề cập đến chuyến công tác Tây bán cầu của ông Tô Lâm, từ ngày 21 đến 27/9, tạo kỳ vọng về “các bước chuyển đổi mềm” trong đối ngoại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tác giả nhận xét, nếu trước đây, lãnh đạo Đảng thường nhấn mạnh quyền kiểm soát và quản lý xã hội, thì nay, “chuyển đổi mềm” có mở ra được một hướng đi mới. Lúc này, những năng lượng tích cực và sự đồng thuận, giữa người dân – chính quyền – và các nhà lãnh đạo, có thể dẫn đến một quá trình tiến hóa ôn hòa, nhưng sâu rộng, và bền vững?
Tác giả cho biết, mới đây, các nhà lãnh đạo của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, nói rằng, sẽ công bố kế hoạch cho các sáng kiến an ninh mới ở Ấn Độ Dương, khi Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden tiếp đón những người đồng cấp từ nhóm Bộ Tứ QUAD tại Mỹ, do những lo ngại chung về Trung Quốc.
Riêng Việt Nam cũng đang tính toán nâng cấp quan hệ cao nhất với Indonesia, giữa biến thiên địa – chính trị.
Tác giả đặt vấn đề, ngã rẽ quyền lực của Tô Lâm sẽ đi về đâu? Rõ ràng, trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp và căng thẳng như hiện nay, sự lựa chọn của ông Tô Lâm, không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn định hình vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Tác giả nhận định, việc tham gia sâu hơn vào các cơ chế an ninh khu vực, như các “tiểu liên kết”, hay nâng cấp quan hệ đối tác với các nước láng giềng, là những bước đi cần thiết, để Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia trước sự lấn lướt của Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này đặt ra thách thức lớn đối với ông Tô Lâm và giới lãnh đạo Việt Nam, vì, liệu họ có thể thực hiện thành công “chuyển đổi mềm”, mà vẫn duy trì được ổn định nội bộ và quyền lực của Đảng?
Tác giả lưu ý, cần phải phòng xa cho một kịch bản không mong muốn, khi “chuyển đổi mềm” có thể dẫn đến sự tự mãn, trong cả giới lãnh đạo lẫn công chúng. Bằng cách, đưa ra những cải cách nửa vời, hoặc chỉ thay đổi ngôn từ, giới lãnh đạo có thể làm dịu đi những đòi hỏi ngày càng tăng về một nền quản trị dân chủ hơn, mà không thực sự giải quyết các vấn đề cấu trúc sâu xa.
Tác giả cho rằng, điều này có thể tạo ra cảm giác về một tiến bộ giả tạo, và có thể phản tác dụng, nếu người dân nhận ra không có thay đổi thực sự, và đi đến vỡ mộng.
Tác giả đánh giá, ngoại giao mềm nhiều khi không đủ để đối phó với những chiến thuật hung hăng của một cường quốc như Trung Quốc. Việt Nam, vì vậy, có thể và cần phải tính toán trước các chiến lược quyết đoán hơn, trong cả chính sách an ninh quốc tế lẫn kinh tế, để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Xuân Hưng – thoibao.de