Hát “bài ca đổi mới” trên đất Mỹ, Tô Lâm sẽ là nhà cải cách hay chỉ là “ca sĩ”?

Chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt chú ý.

Đáng nói là, Tô Lâm có cuộc đối thoại về chính sách của Việt Nam tại Đại học Colombia. Người dẫn chương trình là Giáo sư Sử học Nguyễn Thị Liên Hằng thuộc Đại học Columbia, và cũng là giáo sư của Đại học Fulbright, người từng bị phe thân Tàu trong Đảng, lùa dư luận viên tấn công phủ đầu trong thời gian vừa qua.

Đáng chú ý, trong lần đối thoại này, ông Tô Lâm nhấn mạnh “về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Đây cũng là ý mà chính ông đã đề cập trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 10, vào hôm 18/8 vừa qua.

Nói về tham vọng làm được chuyện “đại sự” cho đất nước, thì đâu phải chỉ mình Tô Lâm “hô hào”.

Còn nhớ, năm 2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đưa ra mục tiêu, đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, chỉ mới đến năm 2016, thì Đảng đã phải thừa nhận, mục tiêu này đã hoàn toàn thất bại.

Ông Nông Đức Mạnh bị đánh giá là lãnh đạo bất tài nhất, trong các đời Tổng Bí thư. Còn theo đánh giá của nhà báo Huy Đức, trong tác phẩm Bên Thắng Cuộc, thì ông Mạnh chỉ đáng làm quan chức cấp phường.

Từ trước năm 1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu từng nói: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì Cộng sản làm”. Cho tới nay, Đảng vẫn chưa thể chứng minh rằng, câu nói của ông Thiệu là sai.

Có thể nói, giữa việc Cộng sản nói, và việc họ làm, thường không liên quan, thậm chí là trái ngược nhau.

Nếu Cộng sản có thể nói được làm được, thì họ đã không cần đến bộ máy tuyên truyền khổng lồ, không cần cấm báo chí tư nhân, cấm tự do ngôn luận.

Nếu một chính quyền tốt, thì người dân tự đánh giá, sẽ không có sự vu khống nào có thể tồn tại. Như vậy, chỉ cần nhìn cách tổ chức bộ máy nhà nước, cũng biết ngay năng lực của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Bước lên vị trí cao nhất trong Đảng, ông Tô Lâm có trong tay cả bộ máy tuyên truyền khổng lồ, để tô hồng thành tích. Tuy nhiên, dù có tô hồng thế nào, thì cũng không che đậy được thực tế, đó là, ngân sách dành cho Bộ Công an gấp 16 lần ngân sách dành cho Bộ Y tế và Bộ Giáo dục. Như vậy, sẽ không có an sinh nào cho dân, mà chỉ có khoan vào sức dân để trục lợi.

Dân tộc có vươn mình hay không, thì phải nhìn vào những lợi ích mà người dân đang và sẽ được hưởng. Tô Lâm đi lên bằng sức mạnh của Công an, thì ông sẽ gia cố ngành Công an, chứ không ưu tiên cho lợi ích của người dân.

Công an tiêu tốn tiền thuế của dân ngày một nhiều, để “chạy đua vũ trang” với phe quân đội, và y tế – giáo dục sẽ phải tiếp tục khoan vào sức dân mà tồn tại.

Ở vị trí Tổng Bí thư, ông Tô Lâm có quyền đánh bóng tên tuổi bằng những lời nói có cánh, bằng những mục tiêu cao đẹp. Tuy nhiên, ông có thực hiện, hoặc thực hiện được hay không, lại là chuyện khác.

Với một mục tiêu lớn lao cho đất nước, cần nhiều đời lãnh đạo nối tiếp thực hiện. Để đạt được điều này, chỉ có thể chế dân chủ mới làm được, còn độc tài toàn trị thì hoàn toàn không có khả năng. Vì sao?

Thế chế dân chủ là một thể chế tự sửa sai. Lãnh đạo đất nước được người dân bầu chọn, nên hầu hết là những lãnh đạo có năng lực. Nếu dân chọn nhầm, họ có thể loại bỏ người đó thông qua lá phiếu của họ.  Đó chính là một trong những cơ chế tự sửa sai của nhà nước dân chủ.

Còn với thể chế độc đảng, lãnh đạo đi lên bằng đấu đá nội bộ, thì tìm đâu ra người có năng lực để đưa đất nước tiến lên? Cho nên, có thể thấy rất rõ rằng, ông Tô Lâm sẽ chỉ là ca sĩ “nghiệp dư”, hát “bài ca đổi mới” để đánh bóng tên tuổi.

Còn muốn trở thành nhà cải cách thực sự, trước hết, cần dẹp bỏ Đảng Cộng sản, sau đó mới có thể đổi mới cho đất nước này.

Liệu Tô Lâm có dám hay không?

 

Hoàng Phúc – thoibao.de