Tổng Bí thư Tô Lâm đang tính toán điều gì khi gặp Tổng thống Mỹ Biden?

Chiều 25/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, sau khi kết thúc các hoạt động tại Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đã rời New York, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Cuba.

Trong những ngày ở trên đất Mỹ, ông Tô Lâm khá bận rộn với những công việc được một số nhà quan sát đánh giá là gây ấn tượng. Họ nhận xét: “xem ra, người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tỏ ra là một lãnh đạo khá năng động, và cởi mở”.

Sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 25/9, được coi là tâm điểm của công luận trong và ngoài nước. Giới quan sát quốc tế đánh giá, cuộc gặp này “rất quan trọng”, trong việc giúp ông Lâm củng cố quyền lực, sau khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, vào đầu tháng 8/2024.

Ngay sau khi cuộc gặp này kết thúc, kết quả cuộc họp được truyền thông quốc tế đánh giá là “rất nồng ấm”, 2 bên đã cam kết đẩy mạnh hợp tác hơn nữa.

Tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Biden cùng Tổng Bí thư Tô Lâm, một vấn đề trọng tâm được ông Tô Lâm đưa ra, là ông đề nghị phía Mỹ sớm loại bỏ Hà Nội ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường, và dỡ bỏ các hạn chế thương mại. Tuy nhiên, vấn đề đó thuộc thẩm quyền của Bộ Thương mại Mỹ, Tổng thống Biden không thể can thiệp.

Trước cuộc họp này, cú bắt tay giữa Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Ukraine Zelensky, được đánh giá là có tính toán kỹ từ phía Việt Nam, đồng thời là một vấn đề quan trọng.

Từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine, nhà nước Việt Nam luôn có lập trường, cũng như những động thái ủng hộ Nga và Putin. Rất có thể, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa sẽ nổi sóng, về sự kiện vừa kể. Phe bảo thủ thân Nga và Trung Quốc trong Đảng, sẽ lại “sục sôi”, và sẽ “tính sổ” với ông Tô Lâm.

Trong cuộc tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm, khi nói về những thành tựu trong một năm vừa qua giữa 2 nước, Tổng thống Biden phát biểu rằng: “Chúng ta đã khởi động sự hợp tác chưa từng có, cùng nhau đoàn kết xây dựng một Ấn Độ Dương rộng mở và an toàn hơn”.

Tổng thống Biden đã hàm ý về các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.

Dường như để thanh minh rằng Việt Nam không ngã về phía Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đối đáp với Tổng thống Biden:

“Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”

Theo các quan chức Hoa Kỳ, “Hai nhà lãnh đạo thừa nhận thực tế, là Việt Nam nằm trong một khu vực phức tạp”, đồng thời cũng cho rằng, Hà Nội “phải rất thận trọng và có chiến lược trong cách tiếp cận khu vực”.

Nhận xét về sự tính toán, cũng như mục đích thực sự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này, giới thạo tin cho rằng, Tô Lâm đang có nhu cầu củng cố quyền lực của ông. Ông phải thể hiện cho người dân trong nước thấy rằng, ông có khả năng và sự năng động về ngoại giao, trong khi vẫn bảo sự thăng bằng trong quan hệ giữa các cường quốc, như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga.

Cú bắt tay đối ngoại vừa kể, đã đem lại một điểm cộng lớn cho Tổng Bí thư Tô Lâm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chắc chắn, nó sẽ là điểm trừ với Moscow và Bắc Kinh. Song, về mặt đối nội, đây sẽ là cú bồi tiếp theo của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với phe bảo thủ, và các thành phần chống đối trong nội bộ Đảng.

Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng, muốn để phe chống đối trong Đảng chịu hoà hoãn, thì Tổng Bí thư Tô Lâm phải quyết không lùi bước, đồng thời, sẽ phải ra những đòn mạnh tay hơn nữa, trong thời gian sắp tới.

 

Trà My – Thoibao.de