Sợ đảo chính, Tô Lâm xây dựng lực lượng không quân cho công an?

Hồi 29/6 năm nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7 khóa 15, cho phép sử dụng 18.220 tỉ đồng dự phòng trong nguồn ngân sách Trung ương, để thực hiện 4 dự án. Trong đó có dự án Sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh), thuộc quyền quản lý của Bộ Công an.

Trước đó, ngày 22/5, ông Tô Lâm lên Chủ tịch nước, sau khi thành công loại bỏ Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, ra khỏi vũ đài chính trị. Trong các đời Chủ tịch Quốc hội, ông Huệ tỏ ra là người có quyền lực nhất. Việc loại bỏ ông Huệ giúp Tô Lâm đạt được 2 mục đích. Thứ nhất, loại bỏ ứng viên số 1 cho chiếc ghế Tổng Bí thư. Thứ nhì, biến các đại biểu Quốc hội thành những “nghị gật” theo yêu cầu của Tô Lâm. Việc Quốc hội duyệt chi ngân sách cho Bộ Công an làm sân bay, là lúc ông Trần Thanh Mẫn nắm quyền, chứ không phải ông Vương Đình Huệ.

Ông Tô Lâm làm đảo chính mềm chiếm ngôi báu, dựa hoàn toàn vào Bộ Công an. Tuy nhiên, hiện nay, công an vẫn yếu hơn quân đội về nhiều mặt, như: quân số, số lượng tướng tá, ngân sách được phân bổ, nhất là yếu hơn về hỏa lực. Số uỷ viên Trung ương Đảng thuộc Bộ Quốc phòng gấp đến hơn 10 lần số uỷ viên của Bộ Công an. Việc Tô Lâm thực hiện đảo chính thành công, giành được ngôi báu, chủ yếu là nhờ bên quân đội chia rẽ.

Cho đến nay, khi đã nắm chức Tổng Bí thư trong tay, thì ông Tô Lâm vẫn chưa thể nắm được Bộ Quốc phòng, mặc dù ông là Bí thư Quân ủy Trung ương. Hai phe mạnh trong Bộ Quốc phòng là phe Phan Văn Giang và phe Lương Cường. Phe của ông Hoàng Xuân Chiến thân với Tô Lâm, chưa có được tiếng nói ngang bằng với 2 phe kia. Nếu Tô Lâm muốn giúp tướng Hoàng Xuân Chiến trỗi dậy, thì cần phải có thời gian, tuy nhiên có thành công hay không, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Hiện nay, ông Tô Lâm vẫn phải dựa vào Bộ Công an để duy trì sức mạnh, và chắc chắn, ông có rất nhiều kẻ thù. Không loại trừ khả năng, ông có thể bị đảo chính bởi một lực lượng nào đấy, ví dụ như quân đội. Khi đó, Tô Lâm chỉ còn biết trông cậy vào Bộ Công an để giải nguy.

Bộ Công an đã trải qua rất nhiều đời bộ trưởng, nhưng chưa có vị bộ trưởng nào lại làm sân bay riêng cho ngành. Ở nước ngoài, đặc biệt là các nước giàu có, lực lượng cảnh sát có máy bay trực thăng công vụ, để họ có thể đến một hiện trường xa xôi cách trở, một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, máy bay trực thăng rất cơ động và không cần xây sân bay. Chỉ có máy bay phản lực cánh bằng mới cần sân bay.

Với việc xây dựng sân bay cho ngành công an, phải chăng, ông Tô Lâm muốn Bộ Công an có lực lượng không quân? Vậy để làm gì? Rất khó có câu trả lời thỏa đáng trong trường hợp này.

Tất nhiên, khi Bộ Công an đòi xây sân bay thì họ sẽ trình lý do riêng của họ. Nhưng lý do thật sự ẩn đằng sau, thì không bao giờ công khai. Rất có thể, ông Tô Lâm muốn xây dựng lực lượng không quân trong Bộ Công an, là để phòng khi Văn phòng Tổng Bí thư bị đảo chính.

Giả sử, có một kịch bản là, Văn phòng Trung ương Đảng bị quân đội bao vây, thì liệu, ông Tô Lâm có còn khả năng ra lệnh cho quân đội đến ứng cứu được không? Khi đó, chỉ có lực lượng không quân của Bộ Công an mới có thể cứu nguy.

Tô Lâm là người suy tính sâu xa, ông thường tính trước nhiều nước đi. Ví dụ, khi chưa lên Tổng Bí thư, ông đã tìm cách đẩy được Tướng Nguyễn Duy Ngọc vào Văn phòng Trung ương Đảng nắm vị trí cao nhất ở đó.

Cho nên, có thể suy đoán, ông Tô Lâm cho Bộ Công an xây sân bay, vì mục đích ứng phó với đảo chính, nếu có. Chuẩn bị trước không thừa, đặc biệt là với tình hình đấu đá tranh giành nhau khốc liệt như hiện nay.

 

Thái Hà – Thoibao.de