Chuyến công tác đến Mỹ của Tổng Bí thư Tô Lâm chưa đạt được mục tiêu trọn vẹn

Ngày 3/10, RFA Tiếng Việt bình luận, “Chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm có đạt được mọi mục tiêu?”.

RFA dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, rằng, chuyến công tác của ông Tô Lâm trong cương vị Chủ tịch nước – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại New York, từ ngày 21 đến 25/9, đã thành công tốt đẹp, “đạt được ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.

Theo ông Bùi Thanh Sơn, ông Tô Lâm đã chuyển tải được thông điệp mạnh mẽ, rõ rang, ở cấp cao nhất, về đường lối đối ngoại của Việt Nam, và cùng các nước đề ra các định hướng chính sách quan trọng, nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

RFA dẫn nhận định của một nhà quan sát chính trị ở Việt Nam, cho rằng, chuyến đi của ông Tô Lâm mang nhiều ý nghĩa quan trọng, đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung, cũng như đối với cá nhân ông Tô Lâm nói riêng.

Theo nhà quan sát này, trong khoảng 2 – 3 năm gần đây, Việt Nam đang trở mình rất mạnh trên chính trường thế giới. Bằng chứng là, từ năm ngoái đến nay, Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, với Mỹ, Úc và Nhật Bản.

Ông cho rằng:

“Chuyến đi này giống như để đánh tín hiệu ra, cho thế giới biết là, Việt Nam đã sẵn sàng nhận một vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chính trường thế giới.”

Cũng theo ông, qua chuyến đi Mỹ lần này, cuộc chơi chính trị của Việt Nam cũng đã được nâng lên một cấp bậc mới.

Về góc độ cá nhân ông Tô Lâm, chuyến đi mang tính chất giới thiệu một nhà lãnh đạo mới, như là người kế thừa của Tổng Trọng, lần đầu tiên bước ra “vũ đài chính trị quốc tế”. Nhà phân tích này đánh giá “về mục tiêu đối ngoại của Việt Nam thì được 6/10 điểm thì, còn đối với ông Tô Lâm được khoảng 8/10 điểm.”

Đánh giá về sự thể hiện của ông Tô Lâm, trong lần đầu ra mắt lãnh đạo Mỹ và phương Tây, nhà phân tích cho biết, ông chưa thấy có gì đột phá:

“Các hoạt động của ông Tô Lâm ở Liên Hiệp Quốc đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng, từng câu từng chữ rất rõ ràng, vì vậy cũng không có gì đột phá, nhưng ông Tô Lâm đã thể hiện tròn vai của mình ở Liên Hiệp Quốc.”

RFA cũng dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ, rằng, những hoạt động, phát biểu của ông Tô Lâm ở Mỹ, chỉ mang tính chất khoa trương là chính, chưa thực chất. Ngay cả khi gặp trực tiếp Tổng thống Biden thì cũng không đạt được điều gì cụ thể, để phát triển mối quan hệ 2 nước và cả phát triển về kinh tế.

Về bài phát biểu tại Đại học Columbia, ông Vũ cho rằng, nó giống như là một cái show đã được dàn dựng sẵn, và ông Tô Lâm đã thể hiện là một nhà lãnh đạo thất bại.

RFA cho biết, tại trường Đại học Columbia, khi Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng – Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead của Đại học Columbia, đặt câu hỏi cho ông Tô Lâm rằng, ông sẽ làm gì để thúc đẩy hòa giải giữa người Việt trong nước và hải ngoại. Đồng thời, bà đề cập đến câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, rằng, ngày 30/4 có “triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”.

Tuy nhiên, ông Tô Lâm lại không đi thẳng vào nội dung câu hỏi, mà trả lời rằng “quan hệ Việt – Mỹ có được những bước tiến như ngày nay, là vì tinh thần hàn gắn và tôn trọng lẫn nhau, hướng về phía trước”.

RFA cũng cho biết, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ đánh giá, cách trả lời của ông Tô Lâm cho thấy, các nhà lãnh đạo Đảng hiện nay chưa thể hiện dấu hiệu nào, cho thấy, họ thật lòng muốn hòa giải dân tộc.

Còn theo nhà phân tích giấu tên, ông Tô Lâm tham dự sự kiện tại Đại học Columbia, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, nên ông cũng chỉ nói về các vấn đề liên quan đến các quốc gia với nhau.

 

Ý Nhi – thoibao.de