Ngày 2/10, RFA Tiếng Việt đăng phóng sự “Dự án Kênh đào Phù Nam Techo cho thấy rạn nứt trong quan hệ Việt Nam – Campuchia”, của tác giả Luna Pham.
Tác giả cho rằng, Trung Quốc có thể được lợi lâu dài từ dự án “Niềm tự hào của người Khmer”.
Ông Hun Sen và con trai ông, Thủ tướng Hun Manet, đã tiến hành một chiến dịch, nhằm tập hợp sự ủng hộ cho dự án kênh đào Phù Nam Techo – một dự án mà họ cho là mang tinh thần dân tộc Campuchia, tạo nên một làn sóng tự hào dân tộc của người Campuchia.
Nhưng, theo tác giả, điều này cũng cho thấy những vết rạn nứt ẩn chứa trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia.
Việc sử dụng tên gọi của vương quốc cổ đại Phù Nam, cho tên gọi của kênh đào, gợi cho người ta nhớ đến nền văn hóa [rực rỡ] và sự thịnh vượng của người Khmer, vốn vượt trội hơn hẳn các quốc gia láng giềng khi ở thời kỳ hoàng kim.
Tác giả cho biết, dự án kênh đào Phù Nam Techo đã khuấy động một sự thù ghét chưa từng thấy trong nhiều năm, giữa Campuchia và Việt Nam, và Trung Quốc có khả năng trở thành người hưởng lợi lớn từ sự bất hòa này.
Quan điểm của 2 bên về tác động của kênh đào này đối với Đồng bằng Sông Cửu Long hoàn toàn trái ngược nhau, và phía Campuchia tỏ ra không thiện chí để đạt được đồng thuận chung.
Tác giả nhận xét, trong khi báo chí tập trung bàn về tác động môi trường và tính khả thi tài chính của dự án, thì các nhà phân tích Việt Nam lại quan tâm nhiều đến việc đánh giá các hệ quả địa chính trị, đặc biệt, trong bối cảnh sự hiện diện của Trung Quốc đang cận kề và đe dọa khu vực này.
Tác giả dẫn nhận định của ông Nguyễn Minh Quang – giảng viên Đại học Cần Thơ, trong một phân tích gần đây, cho rằng, việc xây kênh đào Phù Nam nhằm mục đích thay đổi cả mặt kinh tế và chiến lược, cho khu vực miền nam Campuchia – nơi Trung Quốc vốn đã có những mối quan tâm/lợi ích về quân sự.
“Bằng chứng ban đầu cho thấy, kênh đào Phù Nam Techo chỉ là giai đoạn đầu của một kế hoạch tham vọng.”
“Đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, các hoạt động khai thác mỏ và đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng một cảng nước sâu ở Kep, sẽ hình thành tiếp sau kênh đào, và những điều này có khả năng sẽ tạo điều kiện cho sự ra đời của các khu kinh tế được Trung Quốc hậu thuẫn, và các trung tâm hỗ trợ hậu cần quân sự ở miền nam Campuchia.”
Ông Quang cho rằng, nếu những trung tâm phát triển này trở thành hiện thực, hải quân Trung Quốc sẽ có tiếp cận hoàn hảo với căn cứ Ream ở tỉnh Sihanoukville của Campuchia, cũng như chuỗi cung ứng và nguồn lực quân sự tại chỗ, trở thành một tiền đồn quân sự của Trung Quốc tại vịnh Thái Lan.
Tác giả đánh giá, quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia có thể trở thành căng thẳng về mặt chính trị, đặc biệt là ở Campuchia, nơi tàn dư của sự oán hận về những bất công và các cuộc chinh phục/xâm lược, ở một số thời điểm, có thể bị đẩy lên thành bạo lực.
Các đảng phái chính trị của Campuchia đều đã và đang sử dụng con bài chống Việt Nam, để tăng cường tính tính danh và sự ủng hộ. Các nhà phân tích cho rằng, ông Hun Sen đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những mưu đồ chính trị như vậy, vì ông đi lên từ một chính quyền do Việt Nam dựng lên.
Giờ đây, tác giả cho hay, Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của ông, là đồng minh vững chắc của Trung Quốc, và những tranh cãi về con kênh đào đã cho thấy, một đường lối cứng rắn đáng ngạc nhiên của nước này đối với Việt Nam.
Tác giả dẫn một lời chỉ trích gần như chưa từng có của ông Hun San, rằng, Việt Nam đang “xây dựng rất nhiều đập nước để bảo vệ hoa màu của họ và những đập nước này ảnh hưởng đến Campuchia”.
Ông nói rằng, Campuchia “không thua kém Việt Nam” và “Campuchia biết cách bảo vệ lợi ích của mình, Việt Nam không cần phải quan tâm”.
Hoàng Anh – thoibao.de