Vì sao tình trạng người Việt sang Nhật trộm cắp vẫn phổ biến?

Trong thời gian gần đây, tin tức liên quan đến  người Việt đi làm việc, hay du lịch ở các nước, liên tục phạm pháp, trộm cắp, đã khiến quốc tế có cái nhìn không tốt về người Việt.

Trước đây, cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã từng cay đắng thốt lên rằng, đây là “điều làm nhục quốc thể”.

Mới nhất, ngày 5/10, trang Nikkei Asia có một phóng sự “Du khách Việt Nam mang hàng ăn cắp về nhà để bán kiếm lời với giá cao”. Bài báo cho biết, Uniqlo – một thương hiệu thời trang được ưa thích tại Việt Nam, đã khiến các cửa hàng ở Nhật của họ, trở thành mục tiêu hàng đầu của hành vi trộm cắp có tổ chức.

Tại Osaka, 3 phụ nữ Việt Nam đã bị bắt vào tháng 2/2024, vì tình nghi ăn cắp nhiều lần tại các cửa hàng Uniqlo. Bộ 3 này đến Nhật Bản bằng thị thực ngắn hạn, từ tháng 6/2023 đến tháng 2/2024. Họ bị cáo buộc đã lấy tổng cộng khoảng 3.300 món đồ, trị giá khoảng 12,3 triệu yên (tương đương khoảng 82.800 đô la), từ 37 cửa hàng ở khu vực Kansai, quanh Osaka, cũng như ở Tokyo.

Vào tháng 3, 4 đàn ông và 1 phụ nữ Việt Nam đã bị buộc tội trộm cắp, tại một cửa hàng Uniqlo ở tỉnh Fukuoka, trên đảo chính Kyushu, cực Nam của Nhật Bản, và đã bị tuyên án treo. Những người này đã khai nhận với cảnh sát, họ nhận được 170.000 đến 210.000 yên mỗi người, cho 1 lần lưu trú khoảng 2 tuần tại Nhật.

Cảnh sát địa phương cáo buộc, những người này đã lặp đi lặp lại quá trình đánh cắp. Sau đó, họ chuyển hàng cho một người khác, để vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Những người phụ nữ này được huấn luyện, và hoạt động có tổ chức rất tinh vi. Vé máy bay và chỗ ở đã được sắp xếp sẵn, và họ được hướng dẫn cách thức lấy cắp các trang phục ít cồng kềnh.

Theo Asahi Shimbun, cảnh sát đã có lệnh bắt giữ một phụ nữ khoảng 40 tuổi, hiện đang sống ở Việt Nam, vì tin rằng, bà này cầm đầu nhóm 4 nghi can kể trên. Theo mô tả, hàng trộm cắp “nhiều đến mức ngày nào họ cũng chất đồ đầy vali”.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao, một số đông người Việt khi ra nước ngoài làm việc tạm thời, hay du lịch, luôn tìm cách trốn ở lại và hành nghề trộm cắp? Kể cả một số người đến Nhật với tư cách du học sinh, hay trao đổi hợp tác giữa 2 nhà nước, cũng vậy?

Lý giải tình trạng ngày càng nhiều người Việt ở Nhật trộm cắp, là vì “tình trạng nợ nần do việc phải trả phí môi giới, của các công ty môi giới đã là nguyên nhân chính”.

Một người Nhật gốc Việt đã định cư hơn 30 năm ở đây, cho phóng viên của thoibao biết, do ông có khả năng tiếng Nhật tốt, nên thường được cảnh sát địa phương mời làm phiên dịch, trong các phiên thẩm vấn đối với người Việt Nam phạm tội. Ông cho hay:

Tôi là người trực tiếp nghe điện thoại, từng được biết, gia đình một nghi phạm đã phải vay mượn, thế chấp ngân hàng được 200 triệu, để lo lót cho anh này du học bên Nhật. Người nhà ở Việt Nam cho biết, để trả nợ khoản vay 160 triệu cho ngân hàng, thì người thân của họ bắt buộc phải đi ăn cắp mới có tiền để trả nợ.”

Công luận thấy rằng, từ nhiều năm nay, người Việt vẫn mãi phải chen nhau, để giành lấy suất đi xuất khẩu lao động, mà thực chất, là đi làm nô lệ lao động cho nước ngoài. Nhưng tại sao, họ vẫn phải trả tiền cho “dịch vụ” môi giới của nhà nước, để rồi phải đi ăn cắp để trả nợ.

Trong khi, họ là nhân tố đóng góp cho lượng kiều hối hàng chục tỷ USD đổ về Việt Nam mỗi năm. Vì thế, xin đừng trách người lao động Việt Nam ở nước ngoài, do bần cùng phải đi trộm cắp để trả nợ.

Có chăng, hãy trách chính quyền, vì sao lại để cho đa số người lao động Việt phải bằng mọi cách để “bỏ nước”, đi làm thuê. Vì sao, đồng lương của người lao động trong nước không đủ sống, không thể chăm lo cho gia đình?

 

Trà My – Thoibao.de