Dư luận xung quanh dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Ngày 9/10, Blog Hoài Hương trên VOA Tiếng Việt bình luận “Đường sắt cao tốc Bắc – Nam: nên hay không?”

Tác giả cho biết, trong khi giới chức Việt Nam cho rằng, tuyến đường sắt cao tốc nối Hà Nội – Sài Gòn có tầm quan trọng chiến lược, và dự đoán những lợi ích to lớn về kinh tế – xã hội, thì nhiều ý kiến lại băn khoăn về chi phí, tính khả thi về mặt thương mại, và tác động hạn chế về kinh tế.

Tác giả dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, tại buổi họp báo vào ngày 1/10, và được báo chí trong nước loan tải, nói rằng, tuyến đường sắt cao tốc này sẽ có tốc độ thiết kế là 350 km/h, chạy từ Hà Nội đến Sài Gòn qua 20 tỉnh, thành, với tổng chiều dài 1.541km, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2035.

Theo tác giả, sau khi thông tin trên được công bố, trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến phấn khởi hồ hởi, về viễn cảnh “ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn”, vì thời gian di chuyển giữa 2 thành phố này, dự kiến sẽ được rút ngắn xuống chỉ còn 5h20.

Tác giả dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, cho rằng, tuyến đường sắt cao tốc này “sẽ mang lại lợi ích cực kỳ to lớn cho các tỉnh miền Trung, là cơ hội phát triển vượt bậc của ngành du lịch biển Việt Nam”.

“Sau khi kết nối vào hệ thống đường sắt của Trung Quốc, thì khách du lịch từ phương Bắc sẽ đổ xuống các bãi biển miền Trung, và miền Nam của ta chỉ trong vòng vài tiếng, và nông, thổ sản của nước ta theo khách du lịch, sẽ ngược lên phương Bắc cũng chỉ trong vòng dăm bảy tiếng” – ông Nam phân tích về lợi ích của dự án này.

Ở chiều ngược lại, tác giả dẫn băn khoăn của Phó Giáo sư Nguyễn Văn Dân:

“Đơn cử như đường sắt Cát Linh – Hà Đông: đội vốn gấp 2,6 lần, đội thời hạn 2,5 lần. Mà chỉ với chiều dài 13 km thôi đấy! Ai dám dám chắc dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ không đội vốn và đội thời hạn?”

Theo ông Dân, nếu dự án đảm bảo đúng tiến độ và đúng vốn đầu tư ban đầu, thì hãy làm, bằng không, nên cải thiện tốc độ tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện tại.
Tác giả cũng cho biết, tổng mức vốn đầu tư cho dự án được tính toán là 67,34 tỷ đô la, tương ứng với 43,7 triệu đô la/km, và dự kiến được lấy từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách nhà nước, được phân bổ dần trong 12 năm, chứ không đi vay nước ngoài.
Vẫn theo tác giả, phương án của Chính phủ được Thứ trưởng Huy công bố tại buổi họp báo, cho thấy, tuyến đường sắt cao tốc này sẽ vận chuyển hành khách và “chỉ vận chuyển hàng hóa khi cần thiết”, và ngoài phục vụ kinh tế, nó còn phục vụ quốc phòng – an ninh.
Tác giả dẫn phản biện của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng, ở tốc độ cao lên đến 350 km/h, thì tàu không thể chở hàng hóa nặng nề. Và nếu chỉ để chở khách, thì lợi ích kinh tế của tuyến đường sắt cao tốc này là “có giới hạn”.
“Nếu nó chuyên chở nguyên vật liệu hay hàng hóa xuất khẩu từ nam ra bắc hay ngược lại, thì rất tốt, rất nên làm. Còn nếu chỉ chở người đi làm và khách du lịch thì không nên.”
“Tốc độ chỉ cần 200km/h là đủ để vận chuyển hành khách và hàng hóa” –
ông A cho biết thêm.
Theo ông A, mặc dù Chính phủ nói sẽ lấy ngân sách đầu tư công cho dự án, chứ không vay nợ, nhưng tiền đó “cũng là tiền thuế của người dân. Vay nước ngoài cũng là dân phải trả”.

Ông A cũng bày tỏ quan ngại, dự án sẽ đội vốn lên gấp mấy lần số vốn đầu tư ban đầu là 67,34 tỷ đô la.

Tác giả cho biết thêm, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp vào tháng 10 này. Hai năm tiếp theo sẽ tiến hành đấu thầu, để lựa chọn tư vấn quốc tế, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến cuối năm 2027, sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu xây dựng và khởi công.

 

Hoàng Anh  – thoibao.de