Tổng Bí thư Tô Lâm phải nhượng bộ trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội

Ngày 15/10, BBC Tiếng Việt bình luận “Quốc hội họp: Sau ông Tô Lâm, ai sẽ làm chủ tịch nước?”

BBC nêu vấn đề, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa 15, khai mạc vào ngày 21/10, sẽ kiện toàn chức danh Chủ tịch nước. Ai sẽ giữ vị trí này?

Hiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đang kiêm nhiệm 2 vai trò đứng đầu Đảng và nhà nước.

BBC cho biết, thời gian làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 15, ước tính là 29 ngày, được tổ chức thành 2 đợt, đợt 1 từ ngày 21/10 đến 13/11; đợt 2 từ ngày 20 đến 30/11.

Một trong những nội dung quan trọng mà Quốc hội dự kiến cho ý kiến, là dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với kinh phí ước tính khoảng 70 tỷ USD.

BBC dẫn nhận xét của Tiến sĩ Zachary Abuza, chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á, từ Mỹ, cho rằng, Quốc hội thông báo sẽ bầu Chủ tịch nước mới, cho thấy, Trung ương Đảng muốn giữ vững truyền thống lãnh đạo tập thể, và việc chia sẻ quyền lực giữa Tứ trụ.

“Nhưng tôi nghĩ ông Tô Lâm thích việc kiêm nhiệm cả 2 chức vụ, tương tự ông Tập Cận Bình. Khi Tổng Bí thư cũng là nguyên thủ quốc gia, thì công tác đối ngoại sẽ dễ dàng hơn.”

Việc kiêm nhiệm sẽ giúp cho các quốc gia khác, đặc biệt là phương Tây, dễ dàng xác định ai là nhân vật đứng đầu để giao thiệp khi đối ngoại.

Tuy nhiên, theo BBC, có ý kiến cho rằng, dù ông Tô Lâm có thể kiêm nhiệm cả 2 chức vụ nhờ vào quyền lực hiện có của mình, bản thân ông muốn tránh tạo ra ấn tượng rằng, việc củng cố quyền lực cá nhân gây tổn hại đến nguyên tắc tập thể lãnh đạo bấy lâu nay.

BBC dẫn ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, chuyên phân tích chính trị Việt Nam, nói rằng, việc không để ông Tô Lâm kiêm nhiệm, có thể là do một số lãnh đạo cấp cao tỏ ra kiêng kị, về việc cho phép một người nắm giữ quá nhiều quyền lực.

“Hoặc là có những cân nhắc về lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài, về sự ổn định chính trị ở Việt Nam. Vì thế, việc khôi phục lại cơ chế lãnh đạo Tứ Trụ sẽ giúp trấn an những mối quan ngại” – ông Thayer nói.

BBC cũng cho biết, xét theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn các chức danh, để làm Chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Hiện, trong Bộ Chính trị, chỉ còn ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính là thỏa mãn yêu cầu này.

Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu “trường hợp đặc biệt” cho Tứ Trụ. Trên thực tế, vẫn theo BBC, chức vụ Thường trực Ban Bí thư cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác, tương tự chức Chủ tịch nước. Nhưng ông Lương Cường vẫn được Bộ Chính trị bổ nhiệm vị trí này, nên khả năng cao, ông vẫn tiếp tục được xét trường hợp đặc biệt.

Đáng chú ý, BBC nhấn mạnh, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa có chuyến đi khá lặng lẽ đến Bắc Kinh. Tại đây, ông đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.

BBC nhận xét, việc Thường trực Ban Bí thư Lương Cường – người giữ vị trí thứ 5 sau Tứ Trụ – có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình, cho thấy, có một sự trọng thị từ phía Trung Quốc.

Có một lý do nữa khiến ông Lương Cường là ứng viên nặng ký cho vị trí Chủ tịch nước, đó là, việc cân bằng quyền lực giữa 2 lực lượng công an và quân đội.

Giáo sư Zachary Abuza nhận định với BBC rằng, dù ông Lương Cường không còn phục vụ trong quân đội, nhưng ông vẫn được coi là đại diện cho lợi ích của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Bộ Chính trị, và Bộ Quốc phòng được cho là đang cố gắng cân bằng ảnh hưởng với Bộ Công an.

 

Hoàng Anh – thoibao.de