Những thách thức của Tổng Bí thư Tô Lâm, trước ngày Quốc hội bầu tân Chủ tịch nước?

Qua những hình ảnh mới nhất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, khi tham dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 17/10, có ý kiến cho rằng, ông Tô Lâm hình như ở trong tâm trạng khá lo âu.

Có lẽ, điều đó liên quan tới việc Quốc hội Khóa 15 sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước mới, trong kỳ họp thứ 8 bắt đầu từ ngày 21/10.

Như thế, ông Tô Lâm sẽ thôi vai trò nguyên thủ quốc gia, và vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang Việt Nam, để tập trung công tác lãnh đạo Đảng. Điều đó sẽ gây ra những hạn chế và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của ông, trên cương vị Tổng Bí thư.

Theo giới quan sát quốc tế, đây là điều mà ông Tô Lâm hoàn toàn không muốn. Nhưng trong bối cảnh “tứ bề thọ địch”, giữa các thế lực thù địch trong nội bộ Đảng, và cả Nga lẫn Trung Quốc, buộc ông phải chấp nhận. Thậm chí, ông còn được cho là đã chủ động rút lui, để giảm áp lực.

Theo một số đồn đoán, ông Tô Lâm sẽ không chịu lùi bước, và tiếp tục ở lại trên cương vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, với mục đích tiếp tục thực hiện kế hoạch cải cách, đưa Việt Nam bước vào “kỷ nguyên mới”.

Tuy nhiên, đây không phải là chuyện “muốn là được”. Bởi điều này thuộc về vấn đề có tính nguyên tắc, đã được duy trì hàng chục năm nay. Đó là, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn cố gắng giữ vững truyền thống “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách”,  nhằm cân bằng, cũng như khống chế quyền lực cá nhân.

Việc ông Tô Lâm muốn tiếp tục kiêm nhiệm cả 2 chức danh, đứng đầu Đảng và nhà nước, sẽ gây tổn hại đến nguyên tắc tập thể lãnh đạo nói trên. Đây chính là lý do vì sao, một bộ phận lãnh đạo chiếm số đông trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đã kiên quyết phản đối. Không dừng ở lại đó, các tuyên bố của ông Tô Lâm kiểu như “…Việt nam luôn luôn đứng về phía lẽ phải”, hình như đã khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Giữa lúc chính trường Việt Nam đang “nước sôi, lửa bỏng”, Ban lãnh đạo Bắc Kinh lại chủ động mời Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, sang thăm Trung Quốc và yết kiến Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ngay sau đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm Việt Nam trong 3 ngày, với tuyên bố “tiếp tục hỗ trợ Việt nam duy trì con đường Chủ nghĩa Xã hội”. Đây được cho là những tín hiệu từ Trung Quốc, gián tiếp đe dọa Tô Lâm “liệu thần hồn”, nếu cố tình chệch khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.

Những thay đổi về nhân sự cũng như đường lối đối nội, đối ngoại, của ông Tô Lâm, trong một thời gian ngắn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lực cũng như quyền lợi của đám đệ tử trung thành với cố Tổng Bí thư Trọng, vốn rất thân Trung Quốc.

Theo một số nhận định, Trung Quốc đã và đang coi ông Tô Lâm có khuynh hướng ngả về phương Tây, và đây là một “hiểm họa”. Việc ông kiêm nhiệm 2 chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, là điều mà Bắc Kinh không thể chấp nhận, và Trung Quốc sẽ ngăn chặn bằng mọi giá.

Một mặt, Trung Nam Hải gây sức ép lên Tô Lâm, mặt khác, họ để ngỏ phương án dự phòng, đưa tướng Lương Cường lên Tổng Bí thư tại Đại hội 14 đầu năm 2026, với cam kết của Lương Cường là sẽ “một lòng một dạ” theo Trung Quốc.

Theo giới quan sát, “đối thủ” chính của ông Tô Lâm hiện nay, là các tướng lĩnh quân đội thân Bắc Kinh. Nổi bật là Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí Thư, và Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Họ đã và đang cấu kết với Trung Nam Hải, để cản phá Tô Lâm. Vụ việc Đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc “nuôi dưỡng cách mạng màu”, là bằng chứng không thể chối bỏ.

Có thể nói, đây là một cuộc đua quyết liệt mà kết quả chưa thể đoán định được. Nhưng với tình thế như hiện nay ông Tô Lâm nhiều khả năng sẽ chịu lùi bước, dù biết rằng quyền lực sẽ bị thu hẹp.

Thậm chí có suy đoán cho rằng, nếu ông Tô Lâm kiên quyết bám cả 2 ghế, thì khả năng cao, sẽ vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của thế lực thân Trung Quốc trong Đảng. Lúc đó, Bắc Kinh có thể sẽ buộc phải ra tay trừng phạt. Mà biện pháp giật dây cho thế lực thân Trung Quốc trong quân đội tạo phản, để Bắc Kinh lấy cớ để can thiệp quân sự, là không thể loại trừ./.

 

Trà My – Thoibao.de