Du học là một ước mơ lớn của giới trẻ Việt Nam từ xưa đến nay. Nhưng đa số các du học sinh, khi có cơ hội du học ở nước ngoài, sẽ chọn con đường ở lại. Đây là vấn nạn “chảy máu chất xám”, và sẽ có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Ngày 30/10, VnExpress đưa tin: “Khoảng 80% du học sinh tự túc không về nước”. Bản tin cho biết, theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, có khoảng 70 – 80% du học sinh tự túc ở lại nước ngoài làm việc sau khi học xong, với lý do vì thu nhập cao, đãi ngộ tốt.
Một trong những cuộc thi vinh danh nhiều nhân tài như Đường lên đỉnh Olympia ở Việt Nam, nhưng thường được gọi “chệch đi” là “Đường lên đỉnh Olympia cho nước Úc”, vì cho đến nay, trong số các nhà vô địch Olympia được du học ở nước Úc, chỉ có 3 nhà vô địch “chịu” trở về Việt Nam.
Trường hợp nam sinh nổi tiếng Chu Ngọc Quang Vinh – người tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, đã công khai tuyên bố: “mục tiêu của em là tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài”.
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Úc, tính đến hết tháng 7/2024, có khoảng 37.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại đây, xếp ở vị trí thứ 5 trong số sinh viên quốc tế du học tại Úc.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa, trước đây đã từng đặt câu hỏi tại Nghị trường Quốc hội, về việc vì sao đa số sinh viên Việt Nam đi du học và chọn con đường ở lại. Ông Hòa cũng dẫn chứng việc các học sinh nhận học bổng sang Úc du học từ cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, và đa số trong số họ không quay về nước sau khi kết thúc chương trình học. Tuy nhiên, cho đến nay Nhà nước Việt nam vẫn chưa tìm được câu trả lời cho công luận.
Qua tìm hiểu, phóng viên thoibao nhận thấy, nhiều du sinh Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học ở nước ngoài quyết định không trở về nước vì một số lý do:
Ở các nước phát triển, cơ hội việc làm và mức thu nhập cao hơn đáng kể so với ở Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật cao như công nghệ thông tin, y tế, tài chính, và nghiên cứu khoa học. Ở lại làm việc tại các quốc gia phát triển không chỉ giúp họ có nguồn thu nhập cao, mà còn là cơ hội để học hỏi và phát triển kỹ năng chuyên môn trong môi trường quốc tế.
Nhiều du học sinh cho rằng, các quốc gia phát triển có điều kiện làm việc, cơ sở vật chất và văn hóa công sở tốt hơn, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển cá nhân. Ở lại nước ngoài, họ có cơ hội phát triển sự nghiệp ổn định hơn, với các chính sách đãi ngộ và phúc lợi tốt hơn ở Việt Nam.
Các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, hay nhiều nước châu Âu có các chính sách định cư hấp dẫn, cho phép sinh viên nước ngoài sau khi học xong có thể ở lại làm việc, và nộp đơn xin thẻ cư trú. Quyền lợi này giúp du học sinh có cơ hội trở thành công dân hoặc cư dân lâu dài, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, một vấn đề hấp dẫn và thu hút du học sinh Việt Nam muốn ở lại, đó là, dịch vụ công như cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, giáo dục và an sinh xã hội tạo nên điều kiện môi trường sống tốt hơn cho họ và gia đình.
Sau một thời gian sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm, nhiều du học sinh đã quen với văn hóa, lối sống và xã hội tại nước sở tại. Việc quay trở lại Việt Nam có thể gây khó khăn, trong khi ở lại nước ngoài có thể giúp họ duy trì lối sống mà họ cảm thấy phù hợp.
Người Việt Nam có câu“đất lành, chim đậu”, và con người ta cũng vậy, ở đâu có môi trường sống tốt, an toàn và bình yên, mọi người sẽ chủ động tìm đến để nương náu, sinh sống.
Hy vọng đây là câu trả lời của thoibao.de cho Tổng Bí thư Tô Lâm, và ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu để đề ra các giải pháp thiết thực.
Trà My – Thoibao.de